Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 6-3, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Các ngân hàng cho biết: Việc giảm lãi suất này đã được thống nhất tại cuộc họp giữa NHNN và các ngân hàng tuần trước.
Động thái giảm lãi suất từ các NHTM kỳ vọng có thể phần nào thúc đẩy cầu tín dụng. Ảnh: SeABank. |
Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - vốn đang tăng với tốc độ rất chậm trong 2 tháng đầu năm.
Trong đó, 4 NHTM Nhà nước là Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank do đang niêm yết ở mức thấp nên giảm lãi suất huy động thêm 0,2%/năm giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27-2 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Hiện 4 ngân hàng này niêm yết kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng là 6%, từ 12 đến 36 tháng là 7,4%.
Các NHTM cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27-2 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết: Ngay đầu tháng 3-2023, OCB đã giảm lãi suất với các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng với mức giảm 0,5%/năm.
Mới đây, từ ngày 5-3, lãi suất các kỳ hạn 6 và 9 tháng của MSB giảm từ 8,3%/năm xuống 7,8%/năm; 12 tháng từ 8,6%/năm xuống 8,1%/năm. Lãi suất cao nhất tại MSB giảm tương ứng, xuống còn 9%/năm dành cho sản phẩm lãi suất đặc biệt kỳ hạn 15 và 24 tháng, gửi tối đa 5 tỷ đồng/khách hàng.
Kể từ ngày 6-3, Bac A Bank và Sacombank cũng điều chỉnh lãi suất với bước giảm từ 0,3 - 0,8%/năm. Cụ thể: Lãi suất kỳ hạn 6 - 9 tháng tại Bac A Bank giảm 0,5%/năm còn 8,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng có bước giảm tương đương còn 8,7%/năm. Lãi suất cao nhất rời từ mức 9,5%/năm xuống còn 9,2%/năm dành cho khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng kỳ hạn từ 13 tháng. Đặc biệt, PvcomBank cũng giảm mạnh lãi suất các kỳ hạn, đặc biệt là kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động online từ 9,2% giảm về 8,4%/năm.
Techcombank đã điều chỉnh giảm từ 0,3 - 0,5%/tùy từng kỳ hạn, trong đó: kỳ hạn 6, 9 tháng đều điều chỉnh giảm 0,3% và niêm yết ở mức 8,2%/năm; giảm 0,5% ở các kỳ hạn 12, 24 tháng và niêm yết cùng mức lãi suất 8,2%. Tại Techcombank, mức lãi suất cao nhất đang là 9,5%/năm, tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này khách hàng phải gửi tiết kiệm với số tiền là 999 tỷ đồng, với kỳ hạn 12 tháng.
Đại diện NHNN cho biết: Trong tháng 2-2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022); đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay bình quân.
Áp lực lãi suất đầu vào giảm đã tạo điều kiện để các ngân hàng giảm dần lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay), kể cả trong lĩnh vực bất động sản. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết: Khi lãi suất huy động cao và kéo theo đó là lãi suất cho vay cao, các ngân hàng chẳng những không hề được lợi, mà trái lại đó còn là rủi ro lớn. Bởi lãi suất cao khiến cầu tín dụng giảm, doanh nghiệp tăng chi phí tài chính, dẫn tới sản xuất kém hiệu quả và có khả năng không trả được nợ ngân hàng. Các ngân hàng luôn muốn lãi suất thấp. "Hy vọng với đợt giảm lãi suất cả huy động và cho vay lần này sẽ tạo được mặt bằng lãi suất mới nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng hợp lý sản xuất kinh doanh hiệu quả," ông Nguyễn Đình Tùng cho biết.
Giảm lãi suất tối đa 3%/năm là mức vừa được Agribank áp dụng với những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản. Thời gian áp dụng điều chỉnh lãi suất này kéo dài đến cả năm sau. "Chúng tôi sẽ lựa chọn những khách hàng nằm trong nhóm: gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, do những dự án chưa được hoàn thiện và những dự án đang khó khăn về tiêu thụ. Đấy là những ưu tiên hỗ trợ để giúp các dự án được sớm hoàn thành", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết.
Còn MB cũng vừa chính thức áp dụng lãi suất cho vay về mức 11%/năm với các dự án vay lớn và các đối tác chiến lược. Riêng khách hàng cá nhân mua các dự án đang bị chậm tiến độ về pháp lý, khó khăn về thanh khoản được giảm 1 - 2%/năm, cá biệt có dự án giảm 3%/năm cho khách hàng cá nhân. Theo lãnh đạo MB, ngân hàng đã tiếp thu kết luận của NHNN và Chính phủ đã tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản, trong đó các doanh nghiệp khó khăn thì chúng tôi cũng đồng hành tìm các biện pháp cụ thể với từng khách hàng, từng dự án để tháo gỡ cho khách hàng.
Ngoài giảm lãi suất, việc cơ cấu nợ cần được nghiên cứu triển khai một cách thận trọng, chính xác, đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau. NHNN đã khuyến nghị Bộ Xây dựng cần rà soát dự án nào mang tính đầu cơ, dự án nào gắn với sản xuất, thương mại, dịch vụ để cùng tìm ra phương án ứng xử, tháo gỡ riêng.
Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, VPBank cũng quyết định dành ra 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Mức lãi vay sẽ được giảm từ 0,5 - 1,5%/năm, tùy theo tình hình kinh doanh thực tế của từng doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cũng kỳ vọng: Mức lãi suất sẽ tiếp tục "hạ nhiệt" vào quý 2-2023, khi áp lực tăng lãi suất từ thị trường thế giới giảm bớt. Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi cũng giúp kích thích nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Theo Báo Tin tức