Thúc đẩy phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn

.

Ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố đang triển khai áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đây là hướng phát triển thiết thực, mang lại giá trị về kinh tế, môi trường, xã hội; góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Trong ảnh: Hội Nông dân thành phố đang hướng dẫn nông dân xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang ủ rơm rạ để làm phân hữu cơ. Ảnh: VĂN HOÀNG
Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. TRONG ẢNH: Trung tâm công nghệ sinh học thành phố đang hướng dẫn nông dân xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang ủ rơm rạ để làm phân hữu cơ. Ảnh: VĂN HOÀNG

Tận dụng nguồn phế phẩm.

Là 1 trong 15 địa phương được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lựa chọn tham gia dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế” do Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (quỹ BRACE) tài trợ, từ cuối năm 2022, Hội Nông dân thành phố đã triển khai, hướng dẫn nông dân thực hiện thí điểm kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi và ủ phân hữu cơ từ rơm rạ ngay tại cánh đồng.

Bà Phạm Thị Cúc Thúy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến cho biết, đây là các biện pháp kỹ thuật đơn giản, giúp nông dân dễ dàng tiếp cận và tạo sự thuận tiện khi xử lý nguồn phế phẩm tại chỗ. Những năm trước, lượng rơm rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch lúa được nông dân đốt ngay trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hướng đến hệ sinh thái đồng ruộng. Khi được chọn thí điểm thực hiện các kỹ thuật xử lý rơm rạ, nông dân hưởng ứng rất nhiệt tình.

“Các kỹ thuật này rất thiết thực với tình hình sản xuất nông nghiệp tại Đà Nẵng. Việc ủ rơm rạ làm phân hữu cơ và dự trữ thức ăn cho gia súc không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật mà còn góp phần hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn và tuần hoàn”, bà Thúy nói.

Tại quận Cẩm Lệ, giữa tháng 2-2023, Hội Nông dân quận tổ chức khởi công thực hiện mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tại Hợp tác xã (HTX) nấm công nghệ Hòa Thọ Tây. Đây là một trong những đơn vị điển hình, bước đầu hướng đến sản xuất bền vững, giảm thiểu lượng phế thải ra môi trường.

Ông Đào Huy Tùng, giám đốc HTX cho hay, từ năm 2017, anh bắt đầu trồng nấm theo quy trình sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, trước lượng phế phẩm thải ra môi trường mỗi năm càng nhiều, anh đã tập trung nghiên cứu về quy trình sản xuất, công nghệ vi sinh, hướng đến công nghệ cao theo quy trình khép kín và tái chế, tận dụng phế phẩm làm phân bón hữu cơ. Theo ông Tùng, để mô hình phát triển hiệu quả và bền vững, bên cạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, toàn bộ nguyên liệu đầu vào để trồng nấm đều là nguồn nguyên liệu hữu cơ, có thể tận dụng lại được như vỏ quả bông, rơm... Trung bình mỗi tháng, HTX có 7-8 tấn phế thải để ủ phân hữu cơ.

“Bên cạnh việc trồng và sản xuất nấm công nghệ cạo, HTX còn chuyển giao công nghệ cho nông dân các địa phương. Chúng tôi sẽ hướng đến phát triển đa lĩnh vực, cung cấp nấm sạch, phân hữu cơ… do mình làm được để phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Tin rằng, các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn sẽ lớn mạnh và nhận được nhiều sự quan tâm; từ đó, tạo thêm việc làm cho bà con, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững”, ông Tùng chia sẻ.

Giải pháp phát triển bền vững

Theo Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ Hứa Thị Thùy Phương, mặc dù trên địa bàn quận có nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả cao về kinh tế, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân nhưng chưa có mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Vì vậy, Hội Nông dân quận đã hỗ trợ, hoàn thiện mô hình tại HTX nấm công nghệ Hòa Thọ Tây. Với những thành công bước đầu về việc sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm trồng nấm của HTX, dự kiến từ nay đến tháng 10-2023, mô hình sẽ xử lý và cung cấp khoảng 20 tấn phân bón hữu cơ, tái sử dụng để sản xuất cây rau, hoa trên địa bàn quận.

“Đây là mô hình rất hữu hiệu đối với sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận và thành phố nói chung. Qua hiệu quả ban đầu, mô hình này vừa gia tăng giá trị sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào, vừa bảo vệ môi trường. Hội Nông dân quận sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn đến nông dân trên địa bàn”, bà Phương cho hay.

Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố cho rằng, trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông nghiệp tuần hoàn là một giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Mặc dù còn mới mẻ, song các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang dần được nông dân tiếp thu và thực hiện hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế. Thông qua quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học… các chất thải, phế phụ phẩm được tái chế, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp trở thành nguyên liệu đầu vào cho mô hình sản xuất nông nghiệp khác; từ đó, giảm nguồn nguyên liệu đầu vào, gia tăng giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.