ĐNO - Nhìn chung, so với nhiều địa phương khác, Đà Nẵng có lợi thế lớn về nguồn nhân lực trẻ và có tỷ lệ đã qua đào tạo cao nhất nhì toàn quốc; tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực tại địa phương vẫn là một trong những khó khăn lớn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Để giải bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” cần có những giải pháp tổng hợp, đồng bộ, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, địa phương. |
Năm 2021, lao động từ 15 tuổi trở lên tại Đà Nẵng là 579.541 người; trong đó, lao động ở khu vực nông thôn chiếm 13,21% và khu vực thành thị chiếm 86,79%, lao động nữ chiếm 47,95% và lao động nam chiếm 52,05% (theo Niên giám thống kê Đà Nẵng 2021). Đáng chú ý, hơn 70% lực lượng lao động tại Đà Nẵng đang ở trong độ tuổi 25-49, là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Phân theo thành phần kinh tế, có thể thấy cơ cấu lao động tại Đà Nẵng chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng lực lượng lao động làm việc thuộc thành phần Kinh tế ngoài Nhà nước (tăng từ 74,47% năm 2015 lên đến 81,46% năm 2021); ngược lại, lực lượng lao động thuộc thành phần kinh tế Nhà nước có xu hướng giảm dần tỷ trọng (giảm từ 19,1% năm 2015 xuống còn 11,92% năm 2020 và 13,7% năm 2021).
Phân theo khu vực kinh tế, tương ứng với cơ cấu giá trị gia tăng, cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng lực lượng lao động làm việc thuộc khu vực Dịch vụ (tăng từ 64,03% năm 2015 lên 68,30% năm 2021); ngược lại, lực lượng lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng giảm xuống một cách đáng kể.
Năm 2021, lao động trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 2,08% và trong khu vực Công nghiệp và xây dựng là 29,62%. Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản thu hẹp mạnh; do đó, tồn tại một nguồn cung lao động lớn chưa qua đào tạo buộc phải dịch chuyển từ khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản vào khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Giải quyết sinh kế cho lực lượng lao động này trở thành mối quan tâm lớn của chính quyền thành phố trong nhiều năm qua.
Xét theo vị thế việc làm, nhóm lao động “làm công ăn lương” chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu lao động có việc làm của Đà Nẵng, bình quân trên 65% giai đoạn 2015- 2021 và có xu hướng tăng dần qua các năm (tăng từ 61,93% năm 2015 tăng lên 67,85% năm 2021). Tuy nhiên, nhóm lao động yếu thế (bao gồm lao động tự làm và lao động gia đình) vẫn còn chiếm tỷ trọng khá cao; năm 2021, tỷ trọng lao động tự làm và lao động gia đình (không được trả lương) chiếm gần 30% tổng lực lượng trên 15 tuổi đang tham gia thị trường lao động. Xét theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ trọng lao động tại Đà Nẵng đã qua đào tạo gia tăng liên tục trong thời gian qua (tăng từ 41,73% năm 2015 lên 48,15% năm 2021).
Trong đó, tỷ lệ đã qua đào tạo từ Đại học và Sơ cấp thể hiện xu hướng tăng rõ rệt nhất. Năm 2021, có hơn ¼ lực lượng lao động tại Đà Nẵng có trình độ từ Đại học trở lên (tăng từ 22,08% năm 2015) và hơn 10% lực lao động có trình độ Sơ cấp (tăng từ 5,53% năm 2015). So với cả nước, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp của Đà Nẵng xếp thứ hạng rất cao (đạt thứ hạng cao nhất cả nước vào năm 2010 và đứng thứ hai vào năm 2020). Năm 2020, tỷ lệ này đạt hơn 44,0%, chỉ sau Hà Nội (đạt 48,5%) và cao hơn cả Thành phố Hồ Chí Minh (đạt 38,7%).
Tuy nhiên, cơ cấu lao động có việc làm đã qua đào tạo của Đà Nẵng đang được cho là mất cân đối và do đó, chưa phát huy được lợi thế của nguồn nhân lực có kỹ năng để thu hút được các nhà đầu tư lớn. Theo mô hình tiêu chuẩn ở các nước phát triển, cơ cấu hợp lý giữa lao động có trình độ bậc cao - bậc trung - sơ cấp và không có chuyên môn kỹ thuật là 1/4/10 hoặc 1/4/20. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ này của Đà Nẵng là 1/0,5/0,4.
Sự mất cân đối này đã dẫn đến một thực tế là trong khi tồn tại số lượng lớn các lao động đã qua đào tạo thất nghiệp thì các doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng được lao động phù hợp. Theo số liệu tính toán từ kết quả điều tra LFS hàng năm của Tổng Cục thống kê, nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ bậc “Sơ cấp” của Đà Nẵng chưa được phía cung ứng (đào tạo) đáp ứng đầy đủ.
Nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ bậc Đại học trở lên” của Đà Nẵng đã được phía cung ứng (đào tạo) đáp ứng tương đối đầy đủ trong giai đoạn 2003-2008 và đang được đáp ứng thừa so với nhu cầu thực tế của nền kinh tế trong giai đoạn từ 2009 đến nay và mức độ dư thừa trình độ này càng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, sự khan hiếm của lao động bậc trung/sơ cấp có tay nghề cao hoặc khả năng làm việc tốt đang là khó khăn nổi bật đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn.
Sự mất cân đối kể trên cũng là nguyên nhân chính khiến cho cung và cầu lao động ở Đà Nẵng còn ít gặp được nhau; thực tế, trong khi nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được đào tạo hàng năm tại Đà Nẵng là khá lớn nhưng các doanh nghiệp vẫn rất chật vật trong tìm kiếm lao động phù hợp. Nguyên nhân hiện nay doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng được lao động do nhu cầu công việc của doanh nghiệp không đúng trình độ và lĩnh vực đào tạo của người lao động.
Hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ” có thể được giải thích là do thiếu những định hướng đào tạo ban đầu, trong khi đó, định hướng nghề nghiệp và tâm lý của người lao động bao giờ cũng muốn có bằng cấp cao (đại học, cao đẳng…) khiến các thanh niên luôn phấn đấu “bước chân” vào trường đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông được xem là hiện tượng khá phổ biến.
Bên cạnh đó, một số trường hợp vì không thi đỗ đại học nên phải vào “tạm” các trường học nghề như một giải pháp tạm thời chứ không xuất phát từ niềm say mê; và vì vậy chất lượng lao động không được đảm bảo và đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, một hiện tượng phổ biến hiện nay ở các doanh nghiệp là việc mặc dù rất dễ dàng khi tuyển dụng lao động phổ thông (ở các công việc như thợ rèn, gò, hàn, công nhân bốc vác, thợ là quần áo…) nhưng để tuyển dụng những lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao (các vị trí như kỹ sư vận hành máy, thợ điện…) thì lại gặp rất nhiều khó khăn.
Để giải bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” cần có những giải pháp tổng hợp, đồng bộ, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo nghề, nâng cao đời sống cho người lao động với mức đãi ngộ phù hợp, có cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ phù hợp, không chạy theo bằng cấp...
HẢI ÂU