Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần, nhưng có một số quy định còn bất cập, hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi để tháo gỡ rào cản phát triển hợp tác xã (HTX).
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Phạm Công Chính (bên trái) động viên các hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu, bao bì sản phẩm để nâng cao giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã. Ảnh: H.H |
Cần sửa đổi quy định về thành viên
Luật chỉ nên quy định hai hình thức thành viên của HTX, đó là thành viên chính thức và thành viên liên kết; đồng thời, bổ sung đối tượng người lao động trong HTX. Theo đó, thành viên chính thức là thành viên góp vốn, giữ vai trò người chủ HTX. Thành viên liên kết là thành viên chỉ thực hiện việc ký kết hợp đồng dịch vụ với HTX, giữ vai trò là khách hàng của HTX. Người lao động là người làm việc thường xuyên trong tổ chức bộ máy quản lý, điều hành và hoạt động HTX (đối tượng thực hiện theo pháp luật về lao động).
Một thành viên tham gia HTX có thể vừa là người chủ, vừa là khách hàng cũng là người lao động; hoặc chỉ trở thành 1, 2 trong 3 hình thức nói trên, nhưng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của thành viên và phải theo nguyên tắc tự nguyện của thành viên, không bị ràng buộc bất cứ quy định nào khác.
Thành viên liên kết là đối tượng tiềm năng trở thành thành viên chính thức và người lao động trong HTX. Người lao động làm thuê là đối tượng tiềm năng trở thành thành viên liên kết và thành viên chính thức. Thành viên chính thức cũng là đối tượng tiềm năng để trở thành thành viên liên kết và người lao động trong HTX.
Tư cách thành viên chính thức được xác lập khi thành viên đã góp vốn theo cam kết và theo quy định của pháp luật, điều lệ (về mức vốn góp tối thiểu và tối đa) được HTX cấp giấy chứng nhận góp vốn (lúc này, tư cách thành viên chính thức đã được xác lập quyền sở hữu, quyền lợi ích và quyền tham gia quản lý HTX).
Trong quá trình hoạt động, nếu thừa vốn thì được HTX trả lại phần vốn thừa so với quy định về mức vốn góp tối đa; nếu thiếu vốn thì được quyền góp vốn bổ sung; nếu không góp vốn bổ sung để đạt mức vốn góp tối thiểu theo quy định của điều lệ, thì thành viên bị hạn chế một số quyền tham gia quản lý HTX. Thành viên chính thức được quyền tham gia quản lý HTX phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của HTX trong phạm vi phần vốn góp của mình vào HTX. Tư cách thành viên liên kết, người lao động được xác lập khi đã ký kết hợp đồng dịch vụ với HTX.
Tư cách thành viên chính thức được chấm dứt khi thành viên tự nguyện làm đơn xin rút vốn và được HTX chấp thuận cho rút vốn theo quy định của điều lệ. Tư cách thành viên liên kết chấm dứt khi thành viên không thực hiện hợp đồng dịch vụ đã được ký kết với HTX trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ. Việc chấm dứt tư cách người lao động trong HTX được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động. Cơ chế chấm dứt tư cách thành viên, người lao động trong HTX phải theo nguyên tắc tự nguyện.
Về vấn đề quy định về nghĩa vụ và quyền lợi, thành viên chính thức phải có nghĩa vụ góp vốn theo cam kết và theo quy định của pháp luật, điều lệ. Theo đó, thành viên chính thức được quyền tham gia quản lý HTX, được phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp của mình và được hưởng mức thù lao theo quy định của điều lệ về trách nhiệm được giao tham gia quản lý HTX.
Thành viên liên kết phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng dịch vụ đã ký kết với HTX và được hưởng lợi ích thu nhập từ việc mua chung, bán chung với HTX (về cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra giữa thành viên và HTX). Người lao động phải có nghĩa vụ làm việc theo hợp đồng lao động đã ký kết với HTX và được nhận lương, phụ cấp hằng tháng do HTX chi trả theo quy định của pháp luật về lao động.
Vừa đối nhân, vừa đối vốn
Tính ưu việt của HTX là có sự kế thừa về sở hữu vốn góp và tư cách thành viên từ đời cha, mẹ sang đời con rồi đến đời cháu, chắt… nên mô hình tổ chức kinh tế HTX là mô hình phát triển bền vững và lâu dài, có sức lan tỏa, thu hút cộng đồng tham gia phát triển kinh tế theo lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của HTX.
Bên cạnh đó, do quy định về mức vốn góp tối đa trong HTX, kết hợp với hình thức tổ chức quản lý dân chủ, bình đẳng và mỗi thành viên chính thức được quyền biểu quyết một phiếu có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp nhiều hay ít và không phụ thuộc vào chức vụ trong HTX, nên mô hình HTX không cho phép cá nhân thành viên chính thức thâu tóm chi phối toàn bộ hoạt động của HTX. Việc chuyển nhượng sở hữu vốn góp giữa các thành viên trong HTX là việc không nên làm bởi sẽ làm thay đổi bản chất của HTX. Bản chất của tổ chức kinh tế HTX là vừa có tính đối nhân, vừa có tính đối vốn.
Tính đối nhân được thể hiện qua việc tổ chức quản lý dân chủ và bình đẳng, đây là biểu hiện bản chất của tổ chức kinh tế tập thể theo quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tính đối vốn được thể hiện qua việc phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp của thành viên. Từ đó, mô hình tổ chức kinh tế HTX cho phép các đối tượng thành viên, người lao động phát huy mọi khả năng, nguồn lực sẵn có của mình để tham gia tổ chức kinh tế HTX.
Tránh lạm dụng quyền lực trong quản lý, điều hành
Quy định về mô hình quản trị đầy đủ được áp dụng đối với HTX có từ 10 thành viên trở lên, nhưng trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) chưa nêu rõ về hình thức thành viên (vấn đề này chỉ quy định về thành viên chính thức hay có cả thành viên liên kết) nên dễ dẫn đến việc thực hiện tùy tiện, gây rối loạn công tác quản lý HTX. Đồng thời, không nên quy định mô hình quản trị đầy đủ có thể áp dụng thực hiện trong trường hợp chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc, vì số lượng thành viên càng lớn thì nguyên tắc quản lý và điều hành cần phải được tách bạch chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng, nhằm tránh tình trạng lạm dụng quyền lực trong quản lý và điều hành HTX.
Quy định về quản lý, sử dụng tài sản trong trường hợp “tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ được quy định là tài sản chung không chia” trong thực tế đã nảy sinh những vấn đề bật cập, hạn chế, không phát huy hiệu quả nguồn lực, thậm chí dẫn đến sự lãng phí nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Việc này cần thực hiện theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ một phần và khuyến khích HTX có vốn đối ứng một phần. Dựa trên cơ sở vốn đối ứng đó, HTX khuyến khích thành viên góp vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, để tạo động lực phát triển, Nhà nước cần có quy định về thời hạn sử dụng tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần có vốn đối ứng của HTX để thực hiện việc chuyển đổi hình thức sở hữu từ tài sản chung không chia trở thành tài sản chung được chia cho HTX.
Việc chuyển đổi hình thức sở hữu này có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép HTX ghi tăng vốn điều lệ HTX và ghi tăng vốn góp điều lệ của thành viên theo tỷ lệ vốn góp đối ứng trước đó của thành viên, làm cơ sở cho HTX phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp của thành viên và cho phép HTX được quyền sử dụng tài sản đó để thế chấp vay vốn, tái tạo ra nguồn vốn mới để đầu tư phát triển.
Đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo ra động lực phát triển cho HTX và nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả về nguồn lực tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần có vốn đối ứng của HTX, tránh tình trạng quản lý, sử dụng thiếu trách nhiệm, gây lãng phí nguồn lực tài sản hỗ trợ của Nhà nước cho HTX như hiện nay.
Hai mô hình HTX kiểu cũ và kiểu mới đều có giá trị
Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW, khi đánh giá tình hình phát triển kinh tế tập thể, Đảng ta có đề cập về mô hình HTX kiểu mới. Theo đó, mô hình HTX kiểu mới là dựa vào sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể về tư liệu sản xuất. Còn mô hình HTX kiểu cũ là chủ yếu dựa vào sở hữu chung của tập thể về tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, cả hai mô hình HTX kiểu cũ và kiểu mới đều có giá trị.
Đối với những địa phương còn có nhiều khó khăn như miền núi, địa phương có đa số đồng bào dân tộc ở vùng cao, nhiều hộ nghèo thì mô hình HTX kiểu cũ vẫn còn giữ nguyên giá trị. Đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cao thì mô hình HTX kiểu cũ đã lỗi thời, thay vào đó là mô hình HTX kiểu mới.
Đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nhưng còn có mặt hạn chế, khó khăn thì cần có sự kết hợp đan xen nhau giữa mô hình HTX kiểu cũ và kiểu mới để áp dụng thực hiện. Do đó, trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) không cần quy định quá chi tiết để tránh tạo ra rào cản phát triển HTX; mà chỉ nên quy định chung tạo khuôn khổ pháp lý, làm cơ sở cho HTX xây dựng điều lệ bởi điều lệ là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để HTX phát triển.
PHẠM CÔNG CHÍNH
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Đà Nẵng