Sau hơn nửa tháng hoạt động, khu phố ăn vặt Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) trở thành điểm đến ẩm thực thu hút khá đông du khách và người dân địa phương.
Sau hơn nửa tháng hoạt động, khu phố ăn vặt Nam Ô trở thành điểm đến ẩm thực quen thuộc, thu hút khá đông du khách và người dân địa phương. Ảnh: H.L |
Chị Lê Lương Hồng Liên (phường Hòa Hiệp Nam), kinh doanh nước giải khát tại phố ăn vặt cho biết, trước kia chị buôn bán nhỏ tại nhà, khi biết thông tin Tập đoàn Trung Thủy - chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô có chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề, chị đăng ký tham gia. May mắn là 1 trong 50 hộ dân được tập đoàn hỗ trợ phương tiện buôn bán tại phố ăn vặt, chị Liên nói sẽ cố gắng đáp ứng những yêu cầu của địa phương, như bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ vệ sinh môi trường và trật tự đô thị.
“Việc buôn bán ở đây khá nhẹ nhàng, chủ yếu phục vụ học sinh, sinh viên và người dân địa phương. Thỉnh thoảng có vài nhóm khách du lịch ghé vào thưởng thức. Chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ. Mỗi ngày, tôi bán từ 18 giờ đến 23 giờ, thu nhập trung bình từ 150.000-300.000 đồng”, chị Liên chia sẻ.
Theo quan sát của chúng tôi, có gần 30 món ăn vặt được bày bán tại phố ăn vặt Nam Ô, như gỏi cuốn, cơm cuộn rong biển, hải sản nướng, thịt xiên nướng, bánh bèo chén, trứng gà nướng, bắp nướng, bánh mỳ, bánh tráng nướng, kem cuộn, trà sữa, cà phê, nước đóng chai ướp lạnh, sinh tố, bánh chuối Thái Lan, mít trộn, ốc, ram cuốn cải… Đặc biệt, mức giá tại các hàng quán đều được niêm yết cụ thể, công khai.
Chị Trịnh Thị Khánh Hồng (quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), làm việc tại Công ty TNHH May mặc Whitex, Khu công nghiệp Hòa Khánh cho hay, trước đây chị thường ở nhà dịp cuối tuần vì ít có không gian vui chơi, giải trí phù hợp. Khi khu phố ăn vặt hoạt động, cuối tuần chị thường rủ bạn ra đây hóng gió, thưởng thức vài món vừa túi tiền công nhân. Theo chị Hồng, ẩm thực ở đây tương đối ngon, giá rẻ, từ 10.000-25.000 đồng/món, khá phù hợp với lối sống tiết kiệm của công nhân.
Bà Lê Thị Tuyết Mai, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết, mục tiêu xây dựng khu phố ăn vặt Nam Ô nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức ẩm thực ven biển. Được triển khai quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, phù hợp điều kiện kinh tế của người dân làng chài, UBND phường Hòa Hiệp Nam cam kết tạo điều kiện về địa điểm kinh doanh, buôn bán cho người dân.
Đồng thời, địa phương cũng muốn biến phố ăn vặt thành nơi quảng bá thương hiệu nước mắm Nam Ô truyền thống thông qua việc sử dụng nước mắm trong chế biến món ăn. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, UBND phường phối hợp đơn vị liên quan tăng cường huấn luyện kiến thức kinh doanh, kỹ năng phục vụ, thái độ ứng xử và xử lý các tình huống thường gặp trong phục vụ du khách.
Đồng thời, vận động hộ kinh doanh hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng dụng cụ có chất liệu thân thiện môi trường, dễ phân hủy. Hiện mỗi xe bán hàng đều ghi rõ thông tin mặt hàng kinh doanh cho thực khách dễ nhận diện và hộ kinh doanh tại khu phố đều mặc áo đồng phục, giúp cơ quan chức năng dễ kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, việc đưa khu phố ăn vặt Nam Ô vào hoạt động nằm trong chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô. Mục tiêu của lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp là giúp người dân bị ảnh hưởng bởi dự án chuyển đổi nghề từ ngư nghiệp sang dịch vụ du lịch, đồng thời tạo thêm sản phẩm thu hút khách, nhất là thời điểm ban đêm.
Để làm được điều này, quận Liên Chiểu yêu cầu UBND phường Hòa Hiệp Nam tiếp tục đồng hành, có cơ chế khuyến khích hộ dân duy trì hoạt động, tránh hiện tượng chết yểu, hoạt động không hiệu quả. Chưa kể, cần chủ động tìm kiếm giải pháp hoạt động hiệu quả trong mùa mưa.
HUỲNH LÊ