Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc

.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 25/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22-4-2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.

Các biển báo, hướng dẫn trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Các biển báo, hướng dẫn trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Nghị định số 25/2023/NĐ-CP bổ sung quy định về doanh nghiệp quản lý, khai thác đường cao tốc và người quản lý sử dụng đường cao tốc.

Theo đó, doanh nghiệp quản lý, khai thác đường cao tốc gồm: Doanh nghiệp dự án được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư; doanh nghiệp thuê hoặc nhận chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; doanh nghiệp được Nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đường cao tốc.

Người quản lý sử dụng đường cao tốc là cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, khai thác sử dụng tài sản công kết cấu hạ tầng đường cao tốc; doanh nghiệp quản lý, khai thác đường cao tốc.

Phân cấp Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án tổ chức giao thông đường cao tốc

Tại Nghị định số 25/2023/NĐ-CP quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý; thỏa thuận phương án tổ chức giao thông với Bộ Giao thông Vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khác trong trường hợp đường cao tốc hoặc đường khác do các cơ quan này đầu tư xây dựng kết nối với đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao đầu tư xây dựng đường cao tốc trên địa bàn địa phương mình và địa phương khác phải thỏa thuận với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đường cao tốc đi qua trước khi phê duyệt phương án tổ chức giao thông.

Bổ sung quy định đối với chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc

Nghị định số 25/2023/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về tổ chức giao thông trên đường cao tốc đối với chủ đầu tư dự án. Theo đó, chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc lập phương án tổ chức giao thông trên các tuyến đường cao tốc, trình cơ quan theo quy định để xem xét, phê duyệt trước khi đưa đường cao tốc vào khai thác sử dụng.

Trường hợp cần điều chỉnh phương án tổ chức giao thông đường cao tốc trong thời gian khai thác sử dụng, người quản lý sử dụng đường cao tốc lập phương án tổ chức giao thông điều chỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền quy định xem xét phê duyệt.

Điều kiện đường cao tốc đưa vào khai thác sử dụng

Nghị định số 25/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về công trình đường cao tốc đưa vào khai thác sử dụng; tạm dừng khai thác đường cao tốc.

Theo đó, đường cao tốc được đưa vào khai thác sử dụng khi đáp ứng các quy định: Đã được nghiệm thu hoàn thành xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; phương án tổ chức giao thông đã được duyệt; có quy trình vận hành khai thác đối với các hạng mục, thiết bị quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này.

Công trình hầm trên đường cao tốc có sử dụng các thiết bị thông gió, lọc bụi, kiểm soát môi trường, phòng cháy, chữa cháy, hệ thống điện và các thiết bị khác phục vụ khai thác sử dụng; trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; các thiết bị lắp đặt vào công trình đường cao tốc gồm: thiết bị nhận dạng phương tiện giao thông, cân tải trọng, kiểm soát giao thông, quan trắc công trình, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ; các trường hợp cần thiết khác do chủ đầu tư, người quản lý sử dụng đường cao tốc quyết định.

Tạm dừng khai thác đường cao tốc

Tạm dừng khai thác đường cao tốc là trường hợp tạm không sử dụng cho các phương tiện giao thông khai thác sử dụng một chiều, hai chiều, một đoạn hoặc cả tuyến đường cao tốc, trừ các phương tiện làm nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông.

Các trường hợp đường cao tốc phải tạm dừng khai thác do không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng gồm: công trình bị hư hỏng do xảy ra sự cố công trình, do hậu quả của thiên tai; công trình bị hư hỏng không thể khai thác, sử dụng an toàn; sự cố cháy, nổ; xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng buộc phải tạm dừng khai thác để phục vụ cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an toàn giao thông; khi xảy ra thảm họa, dịch bệnh hoặc khi có yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định tạm dừng khai thác đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm dừng khai thác đường cao tốc trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ.

Khi phát hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, công trình lân cận và cộng đồng thì người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm kịp thời dừng khai thác sử dụng đường cao tốc và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông, tài sản khác; thực hiện các công việc để hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra đối với công trình; bảo vệ hiện trường; tham gia cứu nạn, cứu hộ, giải quyết ùn tắc giao thông.

Sau khi quyết định tạm dừng khai thác sử dụng đường cao tốc, người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm thông báo ngay cho Cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý đường cao tốc, Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến, chính quyền địa phương.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.