Ông Nguyễn Thế Cường, Trưởng Phòng điều hành giao dịch thị trường điện, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết, thành phố Đà Nẵng là trọng điểm, ưu tiên về cấp điện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn hán và giá các nguồn năng lượng sơ cấp cao, người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị cần tăng cường tiết kiệm điện.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng triển khai cấp điện phục vụ tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023. Ảnh: H.H |
Theo ông Nguyễn Thế Cường, hiện nay, mực nước nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp, thậm chí một số hồ đã, đang phải vận hành dưới mực nước chết, một số hồ có nguy cơ về mực nước chết trong thời gian tới. Để bảo đảm an ninh nguồn điện trong thời gian vừa qua, cũng như giữ nước các hồ chứa thủy điện nhằm có đủ nước đáp ứng cho giai đoạn còn lại của mùa khô 2023, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã và đang phải huy động tối đa có thể tất cả các loại hình nguồn năng lượng tái tạo, nhiệt điện có trên hệ thống, bao gồm cả các tổ máy nhiệt điện chạy dầu DO và FO (ngoại trừ các tổ máy nhiệt điện than bị sự cố).
Việc cấp điện cho thành phố Đà Nẵng đã nằm trong tổng thể công tác bảo đảm cấp điện quốc gia. Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương nên đây là một trọng điểm về cấp điện. “Việc cấp điện luôn ưu tiên cho các thành phố lớn, trong đó có Đà Nẵng”, ông Nguyễn Thế Cường khẳng định. Đồng thời, khuyến nghị, trong điều kiện hạn hán như hiện nay và giá năng lượng sơ cấp tăng rất cao, nhất là khí, dầu, thậm chí là giá than có thời điểm lên đến 400 USD/tấn, người dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị cần tăng cường tiết kiệm điện, tiết giảm điện chiếu sáng công cộng.
Tính đến trưa 1-6, tổng trữ lượng nước còn lại trong các hồ thủy điện lớn thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 6,24 tỷ m3 nước, chiếm 21,24% so với tổng dung tích thiết kế các hồ, tương ứng với tổng sản lượng điện còn phát được là hơn 1,7 tỷ kWh. Trong khi đó, nhờ thực hiện các giải pháp tích nước trong thời gian qua, hiện tất cả các hồ thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đều đã bảo đảm hoặc cao hơn khoảng mực nước theo quy định của quy trình vận hành liên hồ, đủ điều kiện để các nhà máy thủy điện có thể vận hành bình thường và vận hành với công suất cao khi cần thiết để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, phụ tải trên địa bàn thành phố trong tháng 5-2023 đã tăng rất cao, sản lượng điện đã đạt hơn 9,3 triệu kWh/ngày, sản lượng ngày cực đại đạt hơn 10,6 triệu kWh. Công ty đã triển khai các phương án nhằm bảo đảm cấp điện cho mùa khô và cả năm 2023 và phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay thực hiện tiết kiệm điện và xem đây là giải pháp cấp bách trong bối cảnh thiếu điện. Công ty đã thi công các công trình, lắp đặt thiết bị bảo đảm cấp điện phục vụ tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF 2023 và sẽ tiếp tục triển khai các công tác liên quan, bố trí cán bộ, nhân viên trực vận hành và phối hợp xử lý sự cố kịp thời để bảo đảm nguồn điện liên tục, ổn định trong suốt thời gian diễn ra thi pháo hoa.
Chia sẻ thêm thông tin liên quan đến việc truyền tải điện công suất cao từ trạm 500kV Đà Nẵng ra phía bắc trong bối cảnh khó khăn về nguồn điện hiện nay, ông Nguyễn Thế Cường cho rằng, hiện hệ thống truyền tải điện của nước ta đã có 4 mạch đường dây 500kV kéo ngang qua Đà Nẵng. Sắp đến, sẽ lắp đặt thêm 1 tuyến đường dây 500kV từ Vũng Áng - Quảng Trạch và ra phía bắc. Do xây dựng 1 tuyến đường dây 500kV ngày càng khó khăn vì địa hình miền Trung hẹp, khó tìm được hành lang tuyến để kéo đường dây và phức tạp về công nghệ, nên việc truyền tải điện công suất cao từ trạm 500kV Đà Nẵng ra phía bắc là tận dụng đoạn đường dây này và đây cũng là chuyện bình thường.
HOÀNG HIỆP