Chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, nhân viên 'cố tình tư vấn sai lệch'

.

Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu mất mát, thiệt hại do ốm đau bệnh tật. Tuy nhiên thời gian qua, dư luận xã hội không khỏi nghi ngại về hàng loạt vụ việc “lùm xùm” liên quan tới các hợp đồng bảo hiểm, trong đó có hình thức phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Nhiều khách hàng phản ánh, họ nhận được thông tin hoàn toàn khác so với thông tin được tư vấn viên tư vấn.

Thông thường, các khách hàng chỉ nghe qua tư vấn chứ không mấy khi đọc hết và hiểu được các ý trong hợp đồng bảo hiểm.
Thông thường, các khách hàng chỉ nghe qua tư vấn chứ không mấy khi đọc hết và hiểu được các ý trong hợp đồng bảo hiểm.

 Lùm xùm việc “tưởng bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm”

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 5-2023, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 855.635 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, riêng tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 736.764 tỷ đồng; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 179.651 tỷ đồng, tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 714.597 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 649.040 tỷ đồng. Về tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 558.549 tỷ đồng, tăng 16,33% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 524.626 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 29.413 tỷ đồng, tăng 19,58% so với cùng kỳ năm trước.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc khai thác doanh thu phí bảo hiểm mới bán qua kênh đại lý trên toàn thị trường đang có dấu hiệu giảm sút sau thời gian dài giữ đà tăng trưởng hai con số. Một phần do khó khăn kinh tế sau dịch khiến thu nhập người dân giảm sút, mặt khác, những thông tin nhiễu loạn, lùm xùm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua khiến niềm tin của người dân về loại hình này trở nên lung lay.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Quyền Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) cho biết: Agribank đã có văn bản yêu cầu Bảo hiểm Agribank tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật và các văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Do ảnh hưởng các “lùm xùm” của thị trường bảo hiểm nhân thọ nên 5 tháng đầu năm 2023, bảo hiểm Agribank – một đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ - tăng trưởng âm so với 2022. “Bảo hiểm Agribank xác định vẫn kiên định đi tiên phong triển khai hoạt động kinh doanh chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để bảo vệ vốn của ngân hàng mẹ, và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn”, ông Đỗ Minh Hoàng khẳng định,

Bancassurance là “phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng” đang dần mất vị thế "con gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng. Theo Hiệp hội bảo hiểm, luỹ kế đến hết năm 2022 có khoảng 2,9 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mua qua kênh ngân hàng (bancassurance) với doanh số khai thác là 45.000 tỷ đồng. Riêng năm ngoái, một triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã bán qua kênh ngân hàng với tổng phí khai thác mới lên gần 23.800 tỷ đồng. Con số này chiếm 46% doanh số khai thác mới của kênh bảo hiểm nhân thọ cả năm.

Còn tính toàn thị trường đến cuối tháng 3-2023, có khoảng 13,68 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, giảm gần 250.000 hợp đồng so với cuối 2022.  Theo thống kê, doanh thu từ bảo hiểm trong quý đầu năm nay của nhiều ngân hàng thu hẹp chỉ còn 50% so với cùng kỳ.

Bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết: Các tồn tại, hạn chế phát sinh trong thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua đã đi ngược lại bản chất nhân văn của bảo hiểm nhân thọ, làm suy giảm lòng tin của người tham gia bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ cần được chấn chỉnh lại.

“Chúng tôi đánh giá kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, nếu làm đúng, chính xác sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho các bên tham gia vì tiết giảm rất nhiều chi phí cho người dân mong muốn tham gia gói tài chính trọn gói tại một nơi. Song thực tế, trong quá trình triển khai, việc kiểm soát chất lượng tư vấn qua kênh ngân hàng còn nhiều vấn đề phức tạp, chưa chặt chẽ. Có thông tin phản ánh nhân viên ngân hàng có hiện tượng mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ, thậm chí ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm mới cho vay vốn, trong khi hành vi ép buộc khách hàng đã bị cấm”, bà Phạm Thu Phương cho biết.

Đại diện Bộ Tài chính chỉ rõ 3 nguyên nhân, đó là hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng tài chính dài hạn, tương đối đặc thù, tính chuyên môn cao. Pháp luật quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin phải giải thích đầy đủ, rõ ràng điều khoản của sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng. Tuy nhiên thời gian qua, vẫn còn có một số đại lý chất lượng hoạt động chưa cao, tư vấn chưa đầy đủ, khách quan, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng phát triển thị trường nói chung. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bức xúc mà dư luận phản ánh trong thời gian qua, đã làm giảm rất nhiều tính nhân văn của bảo hiểm.

Bên cạnh đó, là sản phẩm bảo hiểm bán qua các tổ chức tín dụng. Để thực hiện được mục tiêu được giao kết, một số tổ chức giao chỉ tiêu doanh số bán bảo hiểm cho nhân viên, tạo sức ép cho nhân viên tổ chức tín dụng (TCTD).

Sắp công khai kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm

Ông Doãn Thanh Tuấn – Phó Cục trưởng Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Ảnh: BTC
Ông Doãn Thanh Tuấn – Phó Cục trưởng Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Ảnh: BTC

Theo ông Doãn Thanh Tuấn – Phó Cục trưởng Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính đã hoàn thành thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam; Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sunlife Việt Nam – PV) có hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. “Chúng tôi đang làm thủ tục hoàn tất kết luận thanh tra, báo cáo cơ quan thẩm quyền, trước khi công khai”, ông Doãn Thanh Tuấn thông tin.

Đề cập về việc Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam đã hoàn trả bao nhiêu tiền cho khách hàng khi bị tư vấn mập mờ trong việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB với gói bảo hiểm "Tâm an đầu tư". Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, chưa nắm được con số cụ thể.

Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), một bộ hợp đồng dày 70 - 100 trang, là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều từ ngữ chuyên ngành, mà sự thua thiệt chủ yếu gặp ở phía người mua nếu gặp tư vấn viên không có tâm. Thậm chí nhiều chuyên gia cho biết, cũng chỉ hiểu khoảng 70% hợp đồng. Đáng lưu ý, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết, đầu tư. Tức một phần tiền của khách hàng được đưa vào các quỹ chứng khoán, trái phiếu nên càng phức tạp hơn.

Về đội ngũ tư vấn viên, ĐBQH cho rằng, đây là khâu mấu chốt dẫn tới nhiều tranh cãi. Vì tính chất phức tạp của bảo hiểm nhân thọ nên rất cần tới đội ngũ tư vấn viên. Tuy nhiên, không ít tư vấn viên lại cố tình mập mờ để nhanh chóng chốt đơn, ký lại hợp đồng.

Theo quy định của Bộ Tài chính, lợi nhuận của hợp đồng bảo hiểm tối đa lên tới 40% trong năm đầu tiên. Các công ty bảo hiểm đang để 35 - 40%. Ví dụ hợp đồng 100 triệu/năm thì ngay sau khi khách hàng đóng tiền, tư vấn viên sẽ được hưởng từ 35 - 40 triệu đồng ở năm đầu.

Để đạt được doanh số và khoản hoa hồng hậu hĩnh, không ít tư vấn viên đã cố tình tư vấn sai lệch khiến khách hàng lầm tưởng mình đang tham gia vào một sản phẩm đầu tư sinh lãi cao, vừa được bảo vệ sức khỏe, vừa được đền bù khi có việc không may xảy ra và khi kết thúc hợp đồng còn nhận được toàn bộ số tiền đã đóng và lợi nhuận. "Song thực tế không lời lãi như tư vấn viên. Với một số hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, lợi nhuận cũng chỉ là kỳ vọng, phụ thuộc vào thị trường", ĐBQH Nguyễn Thị Thủy nêu.

Như vậy không ít ý kiến băn khoăn, chính công ty bảo hiểm mang số tiền này đi đầu tư cũng không thể chắc chắn 100% rằng khoản này sẽ sinh lợi. Không ít tư vấn viên chỉ nói về quyền lợi mà họ được hưởng lợi, không chỉ rõ cho khách hàng các điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi khi thanh lý trong 1 - 2 năm đầu sẽ nguy cơ gần như mất trắng số tiền đã đóng… “Đây chính là nguồn cơn dẫn đến nhiều bức xúc vừa qua do sự thiếu minh bạch trong tư vấn. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đội ngũ tư vấn viên, được đào tạo chuẩn chỉ, có tâm, trách nhiệm”, ĐBQH nhấn mạnh.

Chỉ khi minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ, từ các phân tích trên, ĐBQH kiến nghị Bộ Tài chính cần thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiến nghị Bộ Công an từ các đơn tố cáo, phản ánh vừa qua xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có đề nghị khởi tố điều tra; kiến nghị các công ty bảo hiểm đã đến lúc rà soát lại toàn bộ các khâu của hợp đồng bảo hiểm, từ thiết kế hợp đồng, tư vấn, ký kết và giải quyết khiếu nại. 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Mặt khác, cơ quan quản lý tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động và xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.

Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, cần rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm, đơn giản quy tắc, điều khoản, tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của mình. Doanh nghiệp bảo hiểm phải rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật; đồng thời, thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đào tạo các đại lý để tăng chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.