Đề xuất bổ sung cơ chế đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng

.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Bộ Tài chính cho biết, để thành phố Đà Nẵng phát triển, trong thời gian qua Đảng, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau 25 năm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng và 20 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ ra rằng trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế thì còn có một số hạn chế như cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành, một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời; các thách thức về công tác quản lý như: quy hoạch đô thị và đất đai; nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu; thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế; sự liên kết hợp tác chưa hiệu quả của thành phố với các địa phương trong vùng,…đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố.

Do vậy, việc xây dựng nghị định bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2016/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho Đà Nẵng có thể khai thác được Khu công nghệ thông tin tập trung Dự án Khu Công viên phần mềm số 2 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT - truyền thông tháo gỡ vướng mắc về không gian phát triển (hạ tầng và mặt bằng); phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, thực hiện nghiên cứu phát triển chuyển đổi số; bao gồm cả dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn ngân sách ngoài nhà nước.

Theo đó, dự thảo bổ sung Điều 9a “Về đầu tư, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin” như: Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển từ nguồn ngân sách của thành phố là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin theo khoản 2, Điều 4 phân loại tài sản công của Luật quản lý, sử dụng tài sản công. HĐND thành phố được xem xét, quyết định đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thông tin trên địa bàn thành phố từ nguồn ngân sách thành phố.

Cơ quan quản lý Nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng thông tin là UBND thành phố. UBND thành phố phê duyệt đề án quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin. Đối tượng được giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin Khu Công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

Theo Bộ Tài chính, đề xuất này có tác động về kinh tế khi tạo cơ chế cụ thể, rõ ràng hơn trong việc xác định tài sản hình thành sau đầu tư là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin và quy định chi tiết về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin do Nhà nước đầu tư, quản lý; giúp thành phố tiếp tục đầu tư dự án Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) từ nguồn ngân sách Nhà nước để dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, tránh để kéo dài gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước và đúng kết luận của Kiểm toán Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về mặt xã hội, việc đầu tư hạ tầng Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) sẽ tạo ra quỹ đất, giải quyết bố trí địa điểm sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đồng thời, giải quyết được nguyện vọng của các doanh nghiệp, giúp thành phố tăng nguồn lực, bảo đảm chủ động được nguồn lực để đầu tư phát triển, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, của cả nước và khu vực Đông Nam Á theo mục tiêu của Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019.

M.Q

;
;
.
.
.
.
.