Doanh nghiệp chờ gỡ khó về phòng cháy, chữa cháy

.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đang gặp vướng về quy định, kiểm định phòng cháy, chữa cháy. Các doanh nghiệp mong muốn cấp có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp mong cấp có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung các quy định phòng cháy, chữa cháy để tháo gỡ khó khăn.  Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sinaran Việt Nam. Ảnh: M.Q
Doanh nghiệp mong cấp có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung các quy định phòng cháy, chữa cháy để tháo gỡ khó khăn. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Sinaran Việt Nam. Ảnh: M.Q

Doanh nghiệp loay hoay

Theo quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) mới, công trình phụ trợ văn phòng làm việc với diện tích 273m2 của Công ty TNHH MTV Hệ thống và cáp điện BUMHAN (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) được xây từ trước năm 2008 phải xây dựng mới thang bộ thoát hiểm, cải tạo lại thang bộ hiện có. Bên cạnh đó, công ty phải lắp đặt trụ chữa cháy tại công trình phụ trợ nằm cách khu sản xuất 50m bằng cách khoan, cắt sân bê-tông dày 20cm trong khuôn viên nhà máy để đặt đường ống, việc này gây tốn kém rất nhiều chi phí.

Bà Dương Thị Thu Vân, Giám đốc điều hành công ty cho biết, việc cải tạo để bảo đảm các yêu cầu về PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo quy định mới là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, có thể xem xét đến việc tạo lộ trình hợp lý để doanh nghiệp có sự chuẩn bị về tài chính. Doanh nghiệp đề xuất thay thế bằng phương án tăng cường bình chữa cháy với số lượng nhiều hơn quy định hoặc mong được hướng dẫn phương án thuận lợi hơn.

Với đặc thù sản xuất nến như Công ty TNHH Sinaran Việt Nam (KCN Đà Nẵng, quận Sơn Trà), việc lắp đặt hệ thống chữa cháy bằng nước là không phù hợp vì sử dụng nước để chữa cháy cho các sản phẩm từ dầu mỏ như sáp có thể phát sinh hiện tượng bùng nổ ngọn lửa, chưa kể nguyên liệu khi bị thấm nước cũng hư hỏng.

Để PCCC, công ty đã lắp đặt hệ thống chữa cháy bằng bột ở tất cả nhà máy sản xuất, trang bị đầy đủ các trang thiết bị chữa cháy, cảnh báo cháy, cửa thoát hiểm, bố trí, sắp xếp lại hàng hóa bảo đảm khoảng cách an toàn; tập huấn, diễn tập công tác PCCC theo các quy định, hướng dẫn của cơ quan PCCC.

Hoạt động trong KCN Đà Nẵng, Công ty CP Sản xuất - Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng được yêu cầu gia tăng giải pháp lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động Sprinklers cho 2 nhà xưởng may và khu nhà xưởng gò 1 và 2, kho vật tư, kho thành phẩm, kho đế với kinh phí hàng tỷ đồng; đồng thời phải loại bỏ các quả cầu chữa cháy tự động hiện có... Không chỉ các công ty đã xây dựng từ lâu, dù mới cấp phép đi vào hoạt động từ năm 2020 nhưng Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ điện tự động Biển Đông (ESTEC) - chi nhánh Đà Nẵng (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang) cũng gặp khó khăn theo quy định PCCC mới.

Ông Phạm Duy An, Phó Giám đốc công ty cho biết, ESTEC đang triển khai thi công hệ thống PCCC cho khu văn phòng mới được lắp đặt trong nhà xưởng, tuy nhiên quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD ngày 30-11-2022 của Bộ Xây dựng có một số yêu cầu kỹ thuật quá cao so với thực tế, dẫn đến việc áp dụng gặp nhiều khó khăn và làm chi phí đầu tư cho hệ thống PCCC tăng lên rất nhiều lần.

Doanh nghiệp mong cấp có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung các quy định phòng cháy, chữa cháy để tháo gỡ khó khăn. Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH MTV Hệ thống và cáp điện BUMHAN. Ảnh: M.Q
Doanh nghiệp mong cấp có thẩm quyền sớm sửa đổi, bổ sung các quy định phòng cháy, chữa cháy để tháo gỡ khó khăn. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH MTV Hệ thống và cáp điện BUMHAN. Ảnh: M.Q

Mong sớm tháo gỡ vướng mắc

Ngoài các doanh nghiệp sản xuất, chủ đầu tư của KCN gặp khó khăn về các quy định PCCC mới. Ông Nguyễn Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Massda Land (chủ đầu tư KCN Đà Nẵng) thông tin, KCN Đà Nẵng là KCN đầu tiên của thành phố được đầu tư xây dựng từ năm 1994 và đi vào hoạt động năm 1997. KCN đã đầu tư hệ thống dẫn nước, các dụng cụ cơ bản phục vụ PCCC và thành lập đội PCCC kiêm nhiệm.

Việc mua sắm thêm xe chữa cháy, thành lập đội PCCC chuyên ngành và thẩm định, nghiệm thu hạ tầng PCCC đối với một dự án đã hoạt động gần 30 năm là rất khó khăn cho công ty, đồng thời phát sinh chi phí đáng kể. Hiện nay, KCN Đà Nẵng đang có chủ trương chuyển đổi thành khu đô thị trung tâm nên còn rất nhiều khó khăn khác về quy hoạch. Do đó, công ty mong muốn duy trì công tác PCCC như hiện nay cho đến khi có quyết định chính thức đối với dự án.

Ngoài việc triển khai lắp đặt hệ thống PCCC mới, không ít công trình đang đầu tư theo quy định của văn bản cũ thì văn bản mới lại được ban hành, gây ảnh hưởng rất nhiều đến quy trình thẩm định và làm gián đoạn việc kinh doanh, khiến công trình chưa được đưa vào sử dụng, công nhân mất việc, kinh tế thất thu.

Ông Thái Ngọc Trung, Phó trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng nhận định, thực tế cho thấy, tình hình kinh tế trong và ngoài nước đang khó khăn, các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCNC&CKCN nói riêng, trên địa bàn thành phố nói chung đã và đang chịu những áp lực về tài chính, cố gắng duy trì sản xuất để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Việc tuân thủ các quy định về  PCCC để bảo đảm an toàn, tính mạng người dân là cần thiết.

Tuy nhiên, khi siết chặt các quy định về PCCC hoặc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới, các cơ quan nên có sự tính toán toàn diện, cơ sở hoạt động tại thời điểm nào thì áp dụng văn bản quy chuẩn tại thời điểm đó; đồng thời có lộ trình phù hợp để doanh nghiệp có công trình hiện hữu từ trước bổ sung phương án PCCC, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngày 25-5 vừa qua, ban quản lý gửi công văn đến Công an thành phố xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các quy định của pháp luật về PCCC; đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; hướng dẫn đầy đủ, cụ thể chi tiết các quy định và giải pháp xử lý, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về PCCC để việc triển khai được thuận lợi.

Theo Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, pháp luật về PCCC. Theo đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, đồng thời cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.