Đọc và hiểu con số

.

Tuy không yêu cầu hiểu biết sâu về các thuật ngữ, thuật toán, nhưng việc đọc, hiểu và phân tích những con số trong báo cáo lại vô cùng quan trọng nếu bạn là phóng viên kinh tế chuyên theo dõi tin tức về các doanh nghiệp và lĩnh vực tài chính.

Ảnh: MAI QUẾ
Ảnh: MAI QUẾ

Đã 4 năm kể từ khi tôi được lãnh đạo cơ quan giao trách nhiệm theo dõi mảng tài chính và doanh nghiệp - lĩnh vực được các anh, chị phóng viên kỳ cựu đánh giá là “khô và khó”. Thời điểm được phân công, nhiều cảm xúc đan xen trong tôi: vui và tự hào vì lãnh đạo tin tưởng năng lực một “lính mới” để giao nhiệm vụ nhưng cũng không kém phần lo lắng.

Nếu như trước đó, tôi chỉ đi làm tin và viết những bài báo kinh tế không quá phức tạp như ghi nhận diễn biến thị trường, người nông dân vào mùa vụ, hiệu quả của ứng dụng công nghệ mới… thì bây giờ phải tập làm quen với những thông tin và số liệu phức tạp hơn.

“Đầu xuôi đuôi lọt” để nói khởi đầu suôn sẻ thì công việc sau đó sẽ thuận lợi, còn với tôi, tin tức đầu tiên trong lĩnh vực theo dõi lại không suôn sẻ lắm. Tôi nhớ đó là tin sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và 5 năm thực hiện nghị quyết của một đơn vị tài chính trên địa bàn thành phố. Khi tin lên đến bước tòa soạn thì thư ký tòa soạn điện thoại để hỏi lại con số.

Cụ thể, tôi viết: “Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận cho vay hơn 16.000 lượt với số tiền hơn 548,2 triệu đồng, tổng dư nợ từ 158,4 tỷ đồng (năm 2014) đến 30-6-2019 đạt 348,2 tỷ đồng”. Thư ký tòa soạn hỏi tôi: sao 5 năm cho vay có 548,2 triệu đồng mà tổng dư nợ lại lên đến 348,2 tỷ đồng? Tôi đọc lại báo cáo thì thấy con số này được viết là 548.188 triệu đồng, nghĩa là 548.188.000.000 đồng, xấp xỉ 548,2 tỷ đồng.

Thay vì chịu khó phân tích rõ ra từng con số như trên để tránh nhầm lẫn, với sự thiếu kinh nghiệm thì tôi đọc nhanh thành 548,2 triệu đồng. May mắn là thư ký tòa soạn với vai trò “người gác cổng” đã phát hiện và xác nhận lại thông tin, nếu không thì lúc lên mặt báo với con số sai sót trên thì ảnh hưởng đến uy tín của cả tờ báo.

Ngay tin tức đầu tiên khi nhận nhiệm vụ đã gặp sự cố, dĩ nhiên tôi không tránh khỏi suy nghĩ. Tuy nhiên, nếu vấp mà ngay lập tức chùn bước thì biết bao giờ mới có thể cải thiện bản thân, tôi tự nhủ phải cẩn thận, xem xét số liệu kỹ để tránh sai sót như trên.

Xử lý tin, bài lĩnh vực tài chính - doanh nghiệp là sự kết hợp của cả số liệu, thông tin để truyền tải vấn đề, điều này đòi hỏi phóng viên phải có khả năng nắm bắt, đánh giá, phân tích thông tin để làm cơ sở cho các nhận định trong bài viết của mình. Đôi khi chỉ xem xét các số liệu được trình bày trong báo cáo hiện tại là chưa đủ, nhiều trường hợp tôi phải đọc lại số liệu cùng kỳ năm trước hoặc các đơn vị khác nhau để kiểm chứng độ chính xác.

Làm phóng viên lĩnh vực kinh tế, kể câu chuyện của các con số sao cho lôi cuốn, hấp dẫn là một thử thách rất lớn với tôi.
MAI QUẾ

Tôi còn nhớ khi viết bài về doanh nghiệp du lịch, báo cáo viết là “doanh thu lưu trú, lữ hành năm 2022 ước đạt 8.872 ngàn tỷ đồng; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 21,3 ngàn tỷ đồng”. Nếu như theo báo cáo, doanh thu lưu trú, lữ hành là 8.872 ngàn tỷ đồng, tức là 8.872.000 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành (có thêm dịch vụ ăn uống) chỉ là 21.300 tỷ đồng. Tôi ngay lập tức hỏi lại đơn vị cung cấp và xem lại báo cáo của Cục Thống kê thành phố, thì chính xác doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt 8.872 tỷ đồng và doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 21.300 tỷ đồng.

Đây chỉ là một trường hợp trong nhiều lần tôi phải xác nhận lại số liệu với đơn vị cung cấp để bảo đảm tính chính xác trước khi gửi bài. Với sức lan tỏa của báo chí, tôi hiểu rằng mỗi bài viết của mình đều có thể ảnh hưởng hoặc tác động đến các cá nhân, tổ chức được đề cập trong bài. Bởi vậy, tôi luôn đặt sự thận trọng lên hàng đầu.

Làm phóng viên lĩnh vực kinh tế, kể câu chuyện của các con số sao cho lôi cuốn, hấp dẫn là một thử thách rất lớn với tôi. Bên cạnh các “con số biết nói”, trong rất nhiều trường hợp, phóng viên phải liên hệ với các chuyên gia để có được những nhận định xác đáng, cũng như phân tích về con số hiệu quả nhất, đặc biệt là với các bài viết về diễn biến thị trường, các kênh đầu tư để người dân nắm rõ hơn và dự đoán các xu hướng trong tương lai.

Song, cũng có một số trường hợp chuyên gia về lĩnh vực nào thì lại “nói tốt” về lĩnh vực đó hơn là các loại hình khác, chính vì vậy, trách nhiệm của phóng viên khi thu nhận thông tin cũng phải chọn lọc để bảo đảm khách quan, trung thực. Khi tiếp nhận một thông tin hay con số, tôi cố gắng tăng độ nhạy bén với những câu chuyện mới phát sinh và nghĩ góc độ mới của câu chuyện cũ.

Sau khi đã có đủ nguyên liệu, công đoạn trình bày, sắp xếp bài báo sao cho logic cũng vô cùng thách thức nhưng đầy thú vị: làm thế nào để khắc phục được sự khô cứng của bài viết đầy ắp dữ liệu, số liệu hay tìm cách diễn đạt dễ hiểu, đại chúng thay cho những thuật ngữ chuyên môn… Đây là những điều mà tôi vẫn không ngừng học hỏi để có thể tiến bộ hơn mỗi ngày trong nghề báo.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.