Chiều 24-6, với 481/482 đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là thực hiện giảm 2% thuế suất thuế Giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 11-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023.
Toàn cảnh phiên bế mạc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết chung của Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 21-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết này. Kết quả đã nhận được 432 ý kiến. Có 342 đại biểu Quốc hội nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo Nghị quyết; 90 đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành và góp ý thêm đối với một số nội dung.
Liên quan đến giảm thuế Giá trị gia tăng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT 2% để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, nâng mức giảm lên 3%, 4% hoặc 5% và kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế VAT sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách nhà nước, Chính phủ chưa có tính toán và đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước các tháng đầu năm giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế VAT như dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế- Chủ nhiệm Bùi Văn Cường nói.
Như vậy, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua 8 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu về 8 dự án luật.
Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã hoàn thành cơ bản toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, nhất là thực hiện “mục tiêu kép”. Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống tinh thần, vật chất của người dân tiếp tục được quan tâm, cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, do ảnh hưởng tác động không thuận lợi của bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính thế giới và các hạn chế, yếu kém tích tụ của nền kinh tế trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều dự án lớn bị chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai; tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch và việc xử lý các vướng mắc về tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy còn chậm; công tác kiểm định xe cơ giới còn nhiều hạn chế; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và người lao động mất việc làm tăng; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao nhất từ trước đến nay…
Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; đồng thời, theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn.
Cụ thể, tập trung bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài; điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6.
Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng. Nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước.
Tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư; phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6; kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan.
Tăng cường cải cách hành chính; có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm; xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Đáng chú ý, Quốc hội điều chỉnh nội dung của Nghị quyết số 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận như sau: quy mô diện tích sử dụng đất của Dự án là 697,73ha. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2019 đến hết năm 2025. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của Dự án là 874,089 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng. Giao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư Dự án, trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư Dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý; bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án.
Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Theo Baotintuc.vn