5 tháng đầu năm, ngành dịch vụ thành phố tiếp tục tăng trưởng nhanh so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động trong và ngoài nước, đặt ra yêu cầu triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2023.
Thành phố triển khai các giải pháp để hỗ trợ ngành công nghiệp tăng trưởng. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: M.Q |
Dịch vụ tiếp tục là trụ đỡ kinh tế
5 tháng qua, thành phố đẩy mạnh tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động thương mại, du lịch, văn hóa nghệ thuật thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng, nhất là trong dịp hè 2023. Theo đó, thị trường hàng hóa tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 10.406 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch và dịch vụ tiêu dùng khác chiếm trên 47%, đây là động lực chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 40,3% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 64,1%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 318,6%.
Với các chiến lược rõ ràng cùng điều kiện thuận lợi, việc thu hút du khách trở lại Đà Nẵng trong những tháng đầu năm 2023 là khả quan. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 5 ước đạt 702,3 nghìn lượt, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 95,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 2,82 triệu lượt, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 5 tháng ước đạt gần 9.359 tỷ đồng, tăng 64,1% so với cùng kỳ. Doanh thu lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch 5 tháng ước đạt 1.545 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, tổng doanh thu toàn ngành vận tải, bưu chính và chuyển phát 5 tháng ước đạt gần 13.571 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ.
Cùng với đà phục hồi của hoạt động thương mại và du lịch, nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng khác cũng đạt mức tăng trưởng khá. Tính chung 5 tháng, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 12.914 tỷ đồng, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh dấu hiệu tích cực, kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, dẫn đến hoạt động xuất khẩu giảm khá sâu là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự sụt giảm sản xuất công nghiệp.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 1% so với tháng 4, tuy nhiên, chỉ số IIP 5 tháng giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng so với cùng kỳ, góp phần kìm hãm mức giảm chung như sản xuất xe có động cơ tăng 27,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,8%...
Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm khá sâu: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 24,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 19,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 35,4%... Một số ngành sản xuất trong tháng 5 có dấu hiệu phục hồi giúp tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều ước đạt gần 263,5 triệu USD, tăng 7,7% so với so với tháng 4. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ.
Triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Đẩy nhanh tiến độ các khu công nghiệp là một trong những giải pháp trọng tâm để hỗ trợ ngành công nghiệp. Ngày 9-5 vừa qua, UBND thành phố ban hành Quyết định số 942/QĐ-UBND quy định tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hòa Nhơn; trong đó quy định các điều kiện, yêu cầu đối với nhà đầu tư cũng như cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá, chấm điểm lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp... theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11-6-2020 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Thông tư số 28/2020/TT-BCT ngày 16-11-2020 của Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP.
Theo đó, dự án cụm công nghiệp Hòa Nhơn được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3852/QĐ-UBND ngày 13-7-2017 với tổng diện tích đất khoảng 247.522m2, trong đó bao gồm: đất nhà điều hành kết hợp khu phụ trợ 9.325m2, đất cụm công nghiệp 21.869m2, đất giao thông, vỉa hè 73.185m2, còn lại là đất xây thảm cỏ, mặt nước...
Ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh so với cùng kỳ năm trước. TRONG ẢNH: Khách hàng tham quan, mua sắm tại Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 2023 - Tôn vinh sản phẩm OCOP. Ảnh: M.Q |
Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (ban quản lý) thông tin, việc ban hành quy định tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hòa Nhơn là cơ sở để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đáp ứng các tiêu chí được ban hành nhằm tạo môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi nhất để nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, ban quản lý đang tiếp tục triển khai các nội dung liên quan đến quản lý, đưa vào khai thác cụm công nghiệp Cẩm Lệ; chuẩn bị đầu tư cụm công nghiệp Hòa Nhơn, cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam.
Nhằm kích cầu mua sắm, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện chương trình xúc tiến thương mại 2023, chương trình quảng bá sản phẩm Đà Nẵng 2023, triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023; phát triển các điểm bán sản phẩm OCOP, đặc trưng của Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin, sở đang xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thành phố Đà Nẵng năm 2023, cũng như đẩy mạnh các chương trình đồng hành với Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2023. Vừa qua, sở đã trình UBND thành phố đề án chuẩn hóa công tác quản lý 4 chợ loại 1 do Sở Công Thương quản lý và kế hoạch nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử thành phố.
Trong tháng 5, UBND thành phố đã ban hành 2 kế hoạch lớn của ngành công thương là tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Đà Nẵng năm 2023 và triển khai Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn thanh phố, qua đó thúc đẩy các ngành công nghiệp, sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển.
Cục Thống kê đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ, các cấp, ngành liên quan cần đề ra các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ thông qua việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp trong quá trình tiếp cận các khoản tín dụng ưu đãi. Đặc biệt là rà soát để tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí; tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp công nghiệp trong nước nhằm tiêu thụ các mặt hàng của nhau, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng thể để cùng nhau tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu... Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 - Cục Thống kê |
MAI QUẾ