Chiều 7-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương, Báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng.
Báo cáo tại hội thảo cho biết, qua 3 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thành phố Đà Nẵng đã có 64 sản phẩm OCOP. Một điểm khác biệt về sản phẩm OCOP của Đà Nẵng là thành phố không chạy theo số lượng, thành tích, mà có sự khảo sát, đánh giá nghiêm túc trong các khâu để phân hạng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP Đà Nẵng đã thể hiện được những đặc trưng, lợi thế và phát huy giá trị cộng đồng trong sản phẩm.
Tuy nhiên, chương trình OCOP của thành phố còn gặp những hạn chế, khó khăn như: nhiều tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận, nhận thức đầy đủ về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP; số lượng sản phẩm chưa đồng đều giữa các nhóm ngành, phần lớn tập trung vào nhóm thực phẩm; thiếu sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch vốn là thế mạnh của thành phố...
Hiện nay, Đà Nẵng đang phấn đấu đến năm 2025, có 135 sản phẩm OCOP được phân hạng, công nhận từ 3 sao trở lên và tất cả 56 xã, phường đều có sản phẩm OCOP.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phú Ban cho biết, việc các chủ thể tham gia OCOP là cách thức để chuẩn hóa sản phẩm, chuẩn hóa về thương mại, mang lại niềm tin cho khách hàng lựa chọn, tiêu thụ sản phẩm.
Sắp tới sở sẽ phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại miền Trung xây dựng sàn giao dịch không chỉ là sản phẩm OCOP, mà còn là các sản phẩm thủy sản bởi lợi thế của Đà Nẵng là có âu thuyền và cảng cá Thọ Quang với nhiều tàu cá của miền Trung mang hải sản từ biển khơi về.
Từ sàn giao dịch này có thể kết nối tiêu thụ sản phẩm, bán hàng từ cảng cá Thọ Quang rồi kết nối các tuyến vận chuyển, kho lạnh, kho bảo quản hàng hóa trong, ngoài nước để giao sản phẩm đến khách hàng, nhất là tại Lào.
HOÀNG HIỆP