Việc đa dạng các thị trường khách du lịch sẽ giúp ngành du lịch phát triển bền vững hơn, vì thế, những người làm du lịch trên địa bàn thành phố luôn nỗ lực để tìm kiếm các nguồn khách mới. Một trong số đó là thị trường du khách Hồi giáo, được xem là thị trường rất có triển vọng nhưng cũng đầy thách thức.
Nhiều đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến các quốc gia có khách Hồi giáo được nối lại là cơ hội tốt để thu hút khách của thị trường này. TRONG ẢNH: Khách từ thị trường Ấn Độ tham gia hội thảo tại Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ |
Cần có hệ sinh thái cho khách Hồi giáo
Mỗi ngày, nhà hàng Maharaja Indian (số 9 đường An Thượng 2, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đón rất đông khách du lịch đến từ thị trường Hồi giáo đến ăn uống. Theo chị Nguyễn Thị Duyên, quản lý nhà hàng Maharaja Indian, khách từ thị trường Halal (khách Hồi giáo) rất khó tính, họ thường có các tiêu chuẩn riêng về thực phẩm nên phải có chứng nhận Halal để phục vụ cho khách (chuẩn Halal là giấy chứng nhận sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal và đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là giấy kiểm định chất lượng sản phẩm tiêu dùng để người theo đạo Hồi có thể sử dụng được).
Do đó, để phục vụ cho thị trường khách này, ngoài chuẩn Halal, nhà hàng của chị còn tuyển dụng thêm 4 đầu bếp là người Ấn Độ để nấu các món chính. Chị cho biết, khách Hồi giáo là một trong những thị trường rất tiềm năng nhưng tại Đà Nẵng nguồn khách từ các thị trường này chưa được như kỳ vọng do một số đường bay thẳng còn hạn chế. Vì thế, để mở rộng thị trường, thu hút khách cần kết nối thêm các chuyến bay tới các thị trường khách Hồi giáo. Đồng thời có thêm đơn vị có chức năng cung cấp các chứng chỉ Halal để thuận tiện hơn cho các nhà hàng muốn phục vụ thị trường khách này.
Để đón nguồn khách từ thị trường Hồi giáo, khách sạn Wyndham Danang Golden Bay (đường Lê Văn Duyệt, phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà) đã chuẩn bị bếp ăn riêng cho thị trường này theo đúng chuẩn Halal. Anh Trần Hùng, quản lý truyền thông của khách sạn cho hay Hồi giáo là một thị trường khách khá khó tính. Một bếp ăn đạt chuẩn Halal gồm có chứng chỉ từ một tổ chức uy tín, bảo đảm thực phẩm và quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn Halal; bếp có dụng cụ nấu nướng riêng để tránh sự pha trộn giữa thực phẩm Halal và thực phẩm không Halal; nguyên liệu và thực phẩm sử dụng trong bếp ăn Halal phải tuân thủ các nguyên tắc Halal tức là thịt phải được kiểm soát nguồn gốc và phải là thịt Halal, không chứa thành phần từ heo hoặc cồn.
Ngoài ra, các sản phẩm khác như nước sốt, gia vị và các loại thực phẩm chế biến cũng cần phải tuân thủ nguyên tắc Halal; người đứng bếp và nhân viên được đào tạo về nấu ăn Halal và hiểu rõ các yêu cầu Halal. Việc có một bếp ăn Halal riêng sẽ tạo được điểm nhấn độc đáo, tăng tính cạnh tranh của khách sạn cũng như thuận lợi hơn trong việc thu hút khách.
Tuy nhiên, anh Hùng cho hay điều khó khăn hiện nay của các bếp ăn Halal là việc tìm nguồn cung cấp nguyên liệu đáng tin cậy, bảo đảm sự tách biệt giữa bếp ăn Halal và bếp ăn chung, và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng Halal. Do đó, để thu hút khách từ thị trường này anh Trần Hùng cho rằng, thành phố, ngành du lịch có thể xây dựng và phát triển một hệ thống ẩm thực Halal đáng tin cậy và đa dạng, bao gồm cả các nhà hàng, khách sạn và cửa hàng thực phẩm Halal; quảng bá và tiếp thị mạnh mẽ đến các thị trường quốc tế có nhu cầu cao về du lịch Halal, bao gồm các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Trung Đông.
Đồng thời tạo ra các gói dịch vụ và chương trình du lịch phù hợp với nhu cầu của khách Halal, bao gồm cả các dịch vụ vui chơi, khu vực cầu nguyện và các hoạt động tôn giáo; xây dựng mối quan hệ đối tác với các tổ chức, đại diện Hồi giáo và cộng đồng Hồi giáo để thúc đẩy sự phát triển của thị trường du lịch Halal và tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch Hồi giáo khi đến Đà Nẵng; đào tạo và nâng cao nhận thức của các nhân viên trong ngành du lịch về văn hóa và yêu cầu Halal để bảo đảm dịch vụ chất lượng và tạo sự hài lòng cho khách Halal.
Chủ động trong việc đón khách
Để đón đầu nguồn khách từ thị trường khách Hồi giáo, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động chuẩn bị về nhân lực, cơ sở hạ tầng… Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh, thị trường khách theo đạo Hồi tại khu vực châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Phillipines... là thị trường tiềm năng mà ngành du lịch Đà Nẵng có thể khai thác. Để đón đầu thị trường này, ngành khách sạn cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyên môn cho các khách sạn thành viên về những nhu cầu cũng như đặc tính đi du lịch của du khách là những người theo đạo Hồi.
Như tại Furama Resort Đà Nẵng để có các món ăn, phong cách phục vụ cho khách Hồi giáo, khu nghỉ dưỡng đã tuyển dụng đầu bếp nấu món ăn theo tiêu chuẩn Halal và tuyển các nhà cung cấp các dịch vụ đặc thù cho khách Hồi giáo. Ông Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng với thị trường khách Hồi giáo, điều quan trọng là cần tập trung quảng bá thêm về điểm đến Đà Nẵng tới thị trường khách này cũng như quảng bá để những người làm dịch vụ du lịch hiểu hơn về thị trường này, có thêm các đường bay thẳng từ Đà Nẵng đến các thị trường có khách hồi giáo...
Ông Ramlan Osman, Giám đốc Công ty Halal Việt Nam mong muốn tới đây sẽ có nhiều người trong lĩnh vực du lịch biết thêm về cách để ứng xử thân thiện với người Hồi giáo, các cơ sở lưu trú biết cách sắp sếp nơi lưu trú theo nhu cầu của nhóm khách này và phía Công ty Halal Việt Nam cũng có các khóa đào tạo về ẩm thực chuẩn Halal cho những người làm dịch vụ, hướng dẫn viên... Đây là cách để những người làm dịch vụ có thể nhanh chóng tiếp cận với thị trường khách này.
Theo bà Marina Muhamad, Giám đốc Trung tâm Du lịch hồi giáo (Bộ Nghệ thuật, Văn hóa và Du lịch- Malaysia), cộng đồng khách du lịch theo đạo Hồi có xu hướng lên mạng để tìm hiểu trước điểm du lịch. Họ thích những nơi có nhiều hoạt động du lịch bền vững, sạch sẽ, vệ sinh, hướng đến sức khỏe, trải nghiệm và đặc biệt có sự trân trọng văn hóa Hồi giáo.
Vì thế, ngành du lịch Đà Nẵng và các địa phương nói chung đặc biệt cần quan tâm hơn đến dịch vụ Halal, cần đầu tư các khu vực cầu nguyện qua đó, tạo cảm giác an toàn, gần gũi và thuận tiện cho du khách người Hồi giáo tại cơ sở lưu trú. Bởi bên cạnh cảnh đẹp thì Đà Nẵng cần có sự giao thương quốc tế, quảng bá hình ảnh thân thiện với người Hồi giáo để họ có cảm giác an toàn, và cần chú trọng các món ăn đúng với tiêu chuẩn thực phẩm Halal.
THU HÀ