Trong mức tăng 3,74% của GRDP thành phố 6 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ tăng 6,15% và được xem là trụ đỡ chính thúc đẩy phát triển kinh tế những tháng tiếp theo của năm 2023. Quy mô nền kinh tế trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, quy mô khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với gần 4.810 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, 6 tháng cuối năm 2023, các sở, ban, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp để thúc đẩy ngành dịch vụ đạt nhiều kết quả tốt hơn.
Các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy ngành dịch vụ tăng trưởng. TRONG ẢNH: Du khách vui chơi tại Công viên Châu Á. Ảnh: M.Q |
Đóng góp lớn từ du lịch
Theo Cục Thống kê thành phố, việc tổ chức trở lại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 sau 3 năm tạm dừng vì dịch bệnh đã thu hút lượng lớn khách du lịch, riêng 4 đêm pháo hoa trong tháng 6 ước thu hút tổng cộng khoảng 240.000 khách lưu trú. Bên cạnh đó, hàng loạt lễ hội, sự kiện lớn như Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội đình làng Hải Châu, Chương trình khai trương mùa du lịch biển, Tuần lễ du lịch Hòa Bắc, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) lần thứ nhất... đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
UBND thành phố đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2023-2027 về phối hợp đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, hàng không, điểm đến, khôi phục ngành dịch vụ hàng không và du lịch... Ngoài ra, thành phố xúc tiến khôi phục và mở mới các đường bay (đến nay đã khôi phục được 15 đường bay quốc tế thường kỳ và 8 đường bay nội địa); xúc tiến khai thác du lịch đường biển đến Đà Nẵng...
Số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3,5 triệu lượt trong 6 tháng đầu năm, đạt 89% kế hoạch năm 2023 và gấp 2,1 lần so với cùng kỳ 2022 và tăng 4,4% so với 6 tháng 2019, trong đó: khách quốc tế ước đạt 930.000 lượt, đạt 188% kế hoạch, gấp 11,3 lần so với cùng kỳ 2022; khách nội địa ước đạt 2,58 triệu lượt, đạt 75% kế hoạch, tăng 67,7% so với cùng kỳ 2022 và tăng 38,2% so với 6 tháng 2019.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành 6 tháng đầu năm ước đạt 6.231 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ 2022 và tăng 12,2% so với 6 tháng 2019, trong đó, doanh thu lưu trú ước đạt 4.277 tỷ đồng, tăng 76,9% so với cùng kỳ 2022, tăng 21,8% so với 6 tháng 2019; doanh thu ăn uống 5.386 tỷ đồng, tăng 30,8%; doanh thu lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 1.954 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ 2022.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, 6 tháng cuối năm, để đóng góp vào tăng trưởng chung của thành phố, nhiệm vụ của ngành du lịch là tập trung phát triển các sản phẩm du lịch, khai thác mô hình thí điểm bãi biển đêm Mỹ An, khu phố du lịch An Thượng; triển khai kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch trên địa bàn; nghiên cứu hoàn chỉnh phương án thí điểm tổ chức dịch vụ, phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi, phương án tổ chức phố đi bộ đường Bạch Đằng nối dài, phương án tạo điểm check-in tại tuyến đường du lịch Võ Nguyên Giáp.
Công nghệ thông tin, giao thông vận tải tăng trưởng khá
Cùng với phát triển các sản phẩm du lịch, ngành giao thông vận tải đang triển khai các nhiệm vụ để thúc đẩy hoàn thành hạ tầng giao thông quan trọng, qua đó góp phần mở rộng doanh thu ngành dịch vụ vận tải, kho bãi. 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi (chiếm 11% trong cơ cấu GRDP) tăng 12,3%. Doanh thu vận tải, kho bãi, bưu chính chuyển phát 6 tháng ước đạt 16.613 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ 2022 và tăng 72,2% so với 6 tháng 2019.
Một điểm sáng khác trong ngành dịch vụ là hoạt động thông tin và truyền thông. Cụ thể, doanh thu ngành thông tin và truyền thông thành phố 6 tháng ước đạt 7.737 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2022 và tăng 19,7% so với 6 tháng 2019. Giá trị tăng thêm ngành thông tin và truyền thông (chiếm 6,7% trong cơ cấu GRDP) ước tăng 2,2%, đây cũng là ngành duy trì được tăng trưởng trong suốt thời gian dịch bệnh. Ước đến tháng 5-2023, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 60,8 triệu USD, đạt 42% so với kế hoạch, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sự tăng trưởng của ngành thông tin và truyền thông không chỉ đóng góp vào nền kinh tế quốc gia mà còn chứng tỏ khả năng ổn định và chống chịu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm. Từ nay đến cuối năm, sở tiếp tục triển khai các kế hoạch chuyển đổi số 2023, tăng cường bảo đảm thông tin liên lạc, hoàn thiện hệ thống thông tin chính quyền điện tử, nâng cao số lượng và chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng lãnh đạo chính quyền thành phố luôn giữ vững quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành đã được Chính phủ quán triệt tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Trong bức tranh kinh tế chung, ngành dịch vụ tiếp tục là trụ đỡ và cơ cấu nền kinh tế thành phố tiếp tục có sự dịch chuyển theo hướng mở rộng khu vực dịch vụ. Để ngành dịch vụ tăng trưởng tốt hơn, các ngành, các cấp cần theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2023, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Sở Du lịch chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch khẳng định thương hiệu, tạo điểm nhấn của ngành du lịch thành phố...
MAI QUẾ