Qua thống kê của một số ban quản lý dự án, tổng nhu cầu vật liệu xây dựng cần cung cấp cho các công trình, dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn thành phố từ cuối tháng 7-2023 đến năm 2025 là gần 2 triệu m3 đá và 1,5 triệu m3 đất. Sở Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất các giải pháp bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng.
Từ nay đến tháng 12-2025, cần khoảng 1,6 triệu m3 đá, 67.416m3 đất san lấp để thi công dự án Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Ảnh: H.H |
Năm 2023 sẽ có hơn 2 triệu m3 đất, đá, cát được khai thác
Hiện trên địa bàn thành phố chỉ có 10 mỏ đất, đá có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó, có 9 mỏ đá xây dựng đang hoạt động với công suất khai thác 851.500m3/năm và 1 mỏ đất đang hoạt động để cung cấp vật liệu san lấp với công suất 200.000m3/năm.
Trước nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng thông thường của các công trình, dự án động lực trên địa bàn thành phố, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND thành phố đã cấp 6 giấy phép khai thác đất san lấp tại các công trình. Ngoài ra, còn 2 giấy phép khai thác đất, đá đã được UBND thành phố cấp vào năm 2020 và 2022, hiện còn thời hạn khai thác. Cùng với đó, còn có 3 giấy phép khai thác đất tầng phủ tại các mỏ đá Trường Bản, Sơn Phước, Hố Mùn 2.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, với 10 mỏ đất, đá đang hoạt động và những giấy phép, giấy xác nhận trữ lượng được cấp như trên, trong năm 2023, tổng trữ lượng vật liệu xây dựng thông thường được khai thác, cung cấp cho các công trình, dự án trên địa bàn thành phố là khoảng 870.500m3 đá xây dựng, 1,095 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp, 102.863m3 cát làm vật liệu san lấp.
Theo thống kê của Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, từ tháng 7-2023 đến tháng 12-2025, đơn vị cần khoảng 1,6 triệu m3 đá, 67.416m3 đất san lấp để thi công dự án Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Bên cạnh đó, cũng cần 242.982m3 đất san lấp, 204.192m3 đá để thi công tuyến đường ven biển nối Bến cảng Liên Chiểu và 329.086m3 đất san lấp để thi công dự án Khu tái định cư phục vụ giải tỏa tuyến đường ĐH2 mở rộng và Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (giai đoạn 3).
Còn Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, từ nay đến năm 2025, đơn vị cần 129.140m3 đất san lấp và 77.868m3 đá để thi công các dự án như cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu; nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang (giai đoạn 2) và Tiểu dự án 1 - nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cũng cho biết, đơn vị cần 687.497m3 đất san lấp và 56.677m3 đá xây dựng phục vụ thi công 4 dự án: Hạ tầng tầng kỹ thuật khu tái định cư trung tâm xã Hòa Bắc (giai đoạn 2), Tuyến đường vành đai phía tây, Khu tái định cư Hòa Khương 2, Tuyến kênh thoát nước từ Khu tái định cư Hòa Nhơn đến sông Túy Loan trong thời gian từ nay đến năm 2025.
Mỏ đá Trường Bản (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đang được khai thác đá và đất ở tầng phủ để bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án của thành phố. Ảnh: H.H |
Gia hạn giấy phép, nâng trữ lượng khai thác mỏ, bóc đất tầng phủ
Để bảo đảm cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình, dự án trọng điểm, động lực trong những năm đến, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá quyền khai thác các mỏ đất, đá nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt và sẽ đưa nội dung yêu cầu các tổ chức trúng đấu giá có trách nhiệm cung cấp một phần vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án của thành phố vào bản cam kết thực hiện dự án khai thác mỏ của các đơn vị tham gia đấu giá.
Đồng thời, đề nghị UBND thành phố cần xem xét cho phép 4 mỏ đá: Hố Bạc, Hố Bạc II, Hố Trầu, Hốc Khế II nằm trong ranh sử dụng đất của dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Hòa Nhơn trước đây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) được gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản với tổng trữ lượng bổ sung 352.000m3/năm; cấp phép khai thác mỏ đá Phước Sơn, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) với công suất 160.000m3/năm; cho phép một số mỏ đá vừa có trữ lượng còn lại lớn vừa có công suất khai thác thấp hơn 100.000m3/năm (mỏ Hố Bạc 3, mỏ Phước Thuận) được nâng công suất khai thác, tối đa là 200.000m3/năm.
Cùng với đó, đề nghị UBND thành phố chấp thuận kế hoạch thăm dò nâng cấp trữ lượng một số mỏ đá để đưa khoáng sản đá, đất phủ ở các khối tài nguyên vào khai thác nhằm bổ sung một phần khối lượng đá, đất cho giai đoạn tới cũng như cho phép một số mỏ đá có tầng phủ dày được bóc, vận chuyển một phần đất tầng phủ phục vụ các công trình của thành phố theo hướng bóc đất phủ phải phù hợp với lộ trình khai thác đá của mỏ, tránh trường hợp bóc tràn lan tạo nên các đồi trọc… Ngoài ra, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản trong đất dự án, công trình nếu trong hồ sơ thiết kế công trình có phát sinh khối lượng đá, đất thừa và đề xuất công trình cụ thể được sử dụng lượng đá, đất này.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho rằng, hiện trên địa bàn huyện Hòa Vang có 41 mỏ khoáng sản, tuy nhiên, nhiều mỏ trong số đó đã được UBND thành phố có chủ trương cho tạm dừng khai thác để tiến hành rà soát. Sở đã kiến nghị thành phố tháo gỡ việc này. Những mỏ khoáng sản còn thời hạn khai thác lẫn hết thời hạn khai thác cần được đánh giá trữ lượng, chất lượng về vật liệu xây dựng thông thường, san lấp, nhất là những vật liệu có thể cung ứng ngay cho thị trường để bảo đảm nguồn cung.
HOÀNG HIỆP