Sau hơn 3 năm triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) với phương châm “chất lượng hơn số lượng”, toàn thành phố có 64 sản phẩm được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Đa phần, các sản phẩm đều mang lại nhiều giá trị thiết thực, khơi dậy tiềm năng phát triển của các chủ thể, lợi thế địa phương. Để chương trình đạt hiệu quả hơn, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm cần được thực hiện kỹ càng, thực chất, bảo đảm các tiêu chí quy định.
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm cần được thực hiện kỹ càng, thực chất. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao của Công ty TNHH Mỹ Phương Food. Ảnh: VIỆT ÂN |
Phân quyền thành lập hội đồng cho quận, huyện
Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ, trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thay đổi so với trước đây. Cụ thể, các quận, huyện được phân quyền thành lập hội đồng đánh giá và tổ chức phân hạng cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP. UBND các quận, huyện sẽ ban hành quyết định phê duyệt, tổ chức công bố kết quả đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao. Riêng đối với các sản phẩm có điểm đạt từ 4 sao sẽ được chuyển hồ sơ lên hội đồng đánh giá cấp thành phố để đề nghị đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP.
Ông Lê Minh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trước đây, hội đồng đánh giá cấp thành phố sẽ thực hiện đánh giá, phân hạng cho toàn bộ sản phẩm OCOP, hiện nay theo quy định mới, UBND quận thành lập hội đồng đánh giá với sự tham gia của nhiều đơn vị, sở, ban, ngành như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường…
Quận đã có 5 sản phẩm OCOP 3 sao và trong năm 2023, dự kiến đánh giá thêm 3 sản phẩm, trong đó, 2 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 1 sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đơn vị tư vấn đang hỗ trợ hoàn thiện hồ để trình UBND quận xem xét, đánh giá. “Chất lượng của các sản phẩm OCOP luôn được quận đặt lên hàng đầu bởi đây là sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu của địa phương. Bên cạnh các sản phẩm OCOP thuộc nhóm thực phẩm, thời gian đến, chúng tôi hướng đến phát triển thêm các nhóm sản phẩm OCOP khác, tạo sự đa dạng cho sản phẩm OCOP quận Ngũ Hành Sơn và thành phố nói chung”, ông Hòa cho hay.
Quận Sơn Trà là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm được UBND thành phố chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Tính đến nay, toàn quận có 8 sản phẩm OCOP gồm: 5 sản phẩm OCOP 4 sao, 3 sản phẩm OCOP 3 sao. Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận thì quy trình, hướng dẫn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại Quyết định số 148/QĐ-TTg rất cụ thể và rõ ràng. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quận có sự tham gia của đại diện các sở hỗ trợ về chuyên môn nên việc áp dụng sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, để việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại địa phương bảo đảm hiệu quả theo tiêu chí “đúng người, đúng việc”, “chất lượng hơn số lượng” thì cần có sự phối hợp của các cấp chính quyền, đoàn thể chính trị- xã hội từ việc định hướng phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương đến việc vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký sản phẩm tham gia chương trình; hỗ trợ phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chương trình quản lý chất lượng tiên tiến và hình thành các sản phẩm chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa (bên trái) trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể đợt 2-2022. Ảnh: V.A |
Bảo đảm chất lượng, hiệu quả sản phẩm
Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê Võ Kim Tú cũng cho rằng, các quận, huyện chủ động trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ giúp rút ngắn quy trình, thời gian, tiến độ phê duyệt và tạo điều kiện cho các chủ thể tiếp cận, cấp chứng nhận OCOP nhanh hơn. Địa phương rất cần sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình của các đơn vị, sở, ban, ngành trong hội đồng đánh giá cấp quận bởi việc thẩm định, xét duyệt sẽ mang tính chuyên môn cao hơn.
Đến nay, quận đã gửi nội dung cho các phường nghiên cứu, tập huấn để chủ động, hướng dẫn các chủ thể, đơn vị, tổ chức tham gia chương trình OCOP; đồng thời, bổ sung, kiện toàn hội đồng đánh giá cấp quận. “Việc đánh giá các sản phẩm tham gia chương trình OCOP được địa phương thực hiện rất kỹ càng. Sau khi được công nhận, các chủ thể OCOP đều được quận hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ để trao đổi, học tập và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Tú cho biết thêm.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban, sở đã ban hành công văn hướng dẫn cụ thể về quy trình, hồ sơ và các quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm theo bộ tiêu chí mới; thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng đúng thành phần, số lượng và tổ chức đánh giá, phân hạng chặt chẽ, khách quan. Đặc biệt, đề nghị các địa phương tuyệt đối không được chạy theo thành tích, không vì chỉ tiêu xã nông thôn mới mà công nhận sản phẩm OCOP không đáp ứng yêu cầu.
Đối với các sản phẩm OCOP đã hết hạn công nhận, các địa phương cần khẩn trương thông báo, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ và đăng ký đánh giá, phân hạng theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, các địa phương đang tập trung thành lập, củng cố hội đồng, ban hành quy chế để triển khai thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Về thành phần hội đồng cấp quận, huyện có sự tham gia của các sở chuyên ngành nên sẽ bảo đảm khách quan, quy định và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hiệu quả sản phẩm OCOP.
64 sản phẩm được chứng nhận OCOP Chương trình OCOP thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025 đặt mục mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 135 sản phẩm được công nhận, trong đó, 56/56 phường, xã đều có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn thành phố có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP, cụ thể: huyện Hòa Vang có 21 sản phẩm, quận Sơn Trà 8 sản phẩm, quận Ngũ Hành Sơn 5 sản phẩm, quận Thanh Khê 9 sản phẩm, quận Cẩm Lệ 9 sản phẩm, quận Hải Châu 6 sản phẩm và quận Liên Chiểu 6 sản phẩm. Hiện 27/56 xã, phường trên địa bàn thành phố chưa có sản phẩm OCOP. |
VIỆT ÂN