Sở Giao thông vận tải vừa đưa vào hoạt động 5 tuyến buýt trợ giá giai đoạn 2 để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Người dân đi xe buýt trợ giá. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (Datramac) cho biết, bên cạnh 6 tuyến buýt đang hoạt động, thành phố vừa đưa thêm 5 tuyến buýt trợ giá vào vận hành, nâng toàn bộ mạng lưới xe buýt lên 11 tuyến buýt với 2 đơn vị vận hành khác nhau. “Hy vọng hệ thống xe buýt trợ giá Đà Nẵng sẽ giải quyết được những khó khăn hiện tại và hoạt động ổn định, thu hút hành khách để phương tiện giao thông công cộng ngày càng phát triển, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng tiện nghi, an toàn, văn minh” - ông Cường nói. Qua khảo sát thực tế cho thấy, chất lượng dịch vụ vận tải công cộng có trợ giá đã được cải thiện như mở lại 5 tuyến cũ, tăng thêm số lượng phương tiện... nhất là Đà Nẵng có thêm đơn vị vận hành các tuyến buýt trợ giá mới, qua đó thu hút người dân quan tâm sử dụng dịch vụ này.
Chị Hồ Thị Ngọc Ánh (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cho hay: “Chỗ tôi làm trên đường Duy Tân nên thường xuyên lên tuyến xe buýt số 4 để di chuyển từ nhà đến nơi làm việc. Do công việc văn phòng không phải di chuyển nhiều, vì vậy tôi thấy chọn xe buýt làm phương tiện đi lại khá thuận lợi và tiết kiệm”, Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Phương bày tỏ từ ngày thành phố mở lại 5 tuyến buýt trợ giá giai đoạn 2, trong đó có tuyến số 11 (Trạm xe buýt Xuân Diệu - Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) chị bỏ hẳn đi xe máy chuyển sang sử dụng xe buýt đến chỗ làm việc trên đường Lê Văn Hiến (quận Ngũ Hành Sơn).
Theo Sở Giao thông vận tải, trong bối cảnh áp lực giao thông đô thị thành phố ngày càng tăng thì hoạt động xe buýt khẳng định được vai trò là một loại hình vận tải công cộng hiệu quả với năng lực vận chuyển cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là vào đầu tháng 6 và 7, hơn 100 người lao động tại đơn vị vận hành 6 tuyến xe buýt cũ đã đình công vì nợ lương và bảo hiểm kéo dài dẫn đến hệ thống xe buýt của thành phố Đà Nẵng tê liệt. Sư việc trên đã xảy ra nhiều lần nhưng chưa có hướng giải quyết triệt để khiến nhiều người dân đã thường xuyên sử dụng các tuyến xe buýt để di chuyển, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên tỏ ra khá lo lắng.
“Ngành giao thông thành phố đã có nhiều cuộc họp thảo luận tìm kiếm phương án giải quyết, bảo đảm hoạt động của xe buýt đáp ứng nhu cầu người dân, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người lao động liên quan. Với việc tiếp tục đưa 5 tuyến buýt vào hoạt động cũng như chọn đơn vị vận hành mới, chúng tôi điều chỉnh tổng thể lại toàn bộ hệ thống xe buýt trợ giá Danabus của thành phố để hoạt động hiệu quả hơn” - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung cho biết.
Trên thực tế, số lượng người dân sử dụng loại hình phương tiện vận tải này vẫn còn ít nên một vài tuyến xe buýt hầu như chạy xe không. Việc này đã gây ảnh hưởng đến nguồn thu, tác động đến việc chi trả lương, bảo hiểm của doanh nghiệp. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều tuyến buýt trợ giá hiện nay. Trước thực trạng này, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đơn vị vận hành từ khâu nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí trợ giá kịp thời đúng thời hạn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia giao thông bằng xe buýt thay thế phương tiện cá nhân...
Tại buổi lễ khai trương 5 tuyến buýt trợ giá giai đoạn 2, lãnh đạo sở đã khẳng định hệ thống buýt trợ giá Đà Nẵng giai đoạn 2 được vận hành bởi FUTA Bus Lines là công ty có bề dày kinh nghiệm trong vận tải hành khách. Giai đoạn 2 sẽ là tiền đề cho sở tiếp tục nghiên cứu khảo sát các loại hình vận tải công cộng hành khách trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Để tiếp tục khẳng định hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đóng vai trò then chốt và là nhiệm vụ chiến lược của các đô thị trong việc khắc phục ùn tắc giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường; là một loại hình vận tải hiệu quả với năng lực vận chuyển cao, Sở Giao thông vận tải đã và đang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành để tham mưu Thành ủy, HĐND và UBND thành phố tiếp tục triển khai một số giải pháp lựa chọn nhà thầu có năng lực để tiếp tục đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt; đồng thời rà soát, điều chỉnh các tuyến xe buýt theo hướng tiếp cận với các điểm thu hút như trường học, bệnh viên, các trung tâm thương mại dịch vụ... Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia giao thông bằng xe buýt thay thế phương tiện cá nhân.
THÀNH LÂN