Cùng với các thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường hàng không, đường bộ, khách du lịch tàu biển cũng là một trong những lợi thế khi địa phương có cảng biển đẹp, thuận lợi gần trung tâm thành phố. Tuy nhiên, để thu hút thị trường khách này, ngành du lịch, các doanh nghiệp cần có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Cần có các chương trình tour, sản phẩm du lịch đặc sắc hơn nữa dành cho khách tàu biển. TRONG ẢNH: Khách từ trên tàu du lịch biển xuống cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ |
Thị trường khách rất tiềm năng
Theo báo cáo của Sở Du lịch, trong giai đoạn từ 2015-2019, sự gia tăng của các chuyến tàu khách cập cảng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng số lượt khách du lịch tàu biển đạt 10,3% và về số chuyến tàu đạt 3,8%. Năm 2015, Đà Nẵng đón 47 chuyến tàu với 22.314 lượt khách, đến năm 2019 đón 88 chuyến tàu với 122.844 lượt khách.
Nếu như giai đoạn trước đó, thị trường khách chủ yếu của loại hình du lịch tàu biển là Anh, Úc, Mỹ, Đức thì đến giai đoạn 2015-2019 thị trường khách Trung Quốc luôn chiếm trên 80%. Do ảnh hưởng của Covid-19, giai đoạn 2020-2022 khách du lịch qua đường biển đạt tỷ lệ thấp. Riêng năm 2021 không có chuyến tàu biển nào; năm 2020 có 11 chuyến đón 23.000 lượt khách và năm 2022 có 3 chuyến đón 500 lượt khách; 6 tháng đầu năm 2023 Đà Nẵng đón 13 chuyến với 8.300 lượt khách.
Về cơ sở hạ tầng, cảng Tiên Sa bảo đảm đón các tàu du lịch loại lớn với dung tích đăng ký đến 150.000 GRT. Tuy nhiên, hiện nay cảng Tiên Sa vẫn phải sử dụng chung khu vực đậu đỗ phục vụ cho cả tàu du lịch cũng như tàu hàng gây ra tâm lý không an tâm cho du khách; chưa có nhà chờ và nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phân khúc cao cấp; đồng thời không có các dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí trên bờ đặc thù phục vụ cho khách tàu biển. Vì thế một số tàu lớn chọn cập cảng Chân Mây - Thừa Thiên Huế vì thuận lợi hơn, sau đó các đơn vị khai thác vận chuyển khách tham quan Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam).
Đến nay, nhiều hãng tàu lớn, nổi tiếng trên thế giới như Star Cruises, Costa Cruises, Dream Cruises, Holland America Cruises, MSC Cruises, Azamara Cruises, Oceania Cruises, Seabourn Cruises... đã đưa khách du lịch từ các thị trường Úc, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc… đến tham quan, trải nghiệm tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh cho khách tàu biển
Ông Lâm Ny, điều hành tàu biển của Công ty Dịch vụ lữ hành Sài Gòn Tourist chi nhánh Đà Nẵng, cho hay khách tàu biển đến Đà Nẵng thường chọn các điểm tham quan như Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng tại bán đảo Sơn Trà và Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Tuy nhiên, các điểm tham quan này ngoài khách tàu biển còn có rất đông khách các thị trường khác, vì thế các lực lượng chức năng cần tăng cường thêm công tác bảo đảm an ninh trật tự dành cho khách. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong các cơ quan chức năng sớm quyết định điểm đổ khách dành cho các xe trung chuyển khi đưa đón khách từ cảng Tiên Sa về trung tâm thành phố sao cho phù hợp nhất; nên chọn điểm đậu đỗ dành cho xe trung chuyển càng gần các điểm tham quan càng tốt.
Ngoài ra, ông Lâm Ny cũng đề xuất với các đơn vị liên quan nên cho phép các tàu du lịch được lưu lại qua đêm như trước đây. Bởi các tàu biển hay lưu đêm đa phần là những tàu hạng sang, khi tàu muốn lưu đêm là muốn có thêm thời gian cho khách trải nghiệm lâu hơn. Nhưng hiện Đà Nẵng đang thiếu các nhà hàng phục vụ đạt tiêu chuẩn khách Âu cũng như thiếu các sản phẩm treckking (đi bộ) dành cho thị trường khách này.
Đồng quan điểm, ông Hồ Mai Linh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Pacific Legend, gợi ý thành phố nên xây dựng shutter bus (xe buýt đưa đón khách) thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Tức là tại các điểm shutter bus có các quầy thông tin về xúc tiến du lịch để giới thiệu, quảng bá các điểm đến của du lịch Đà Nẵng; có các kiot bán hàng hóa, lưu niệm; có phương tiện xe điện để đưa đón khách từ điểm này qua điểm tham quan khác. Khi có những sản phẩm rõ ràng như thế này thì các đơn vị khai thác khách tàu biển sẽ dễ để giới thiệu với các hãng tàu biển hơn.
Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường khách du lịch tàu biển. TRONG ẢNH: Một tàu du lịch cập cảng tại Tiên Sa. Ảnh: T.H |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tàu biển nhưng chưa đẩy mạnh thị trường khách này. Để thực sự khai thác hiệu quả, các đơn vị liên quan cần phải thay đổi cách tiếp cận đối với việc đón khách tàu biển, từng bước chuyển từ khai thác thụ động thành chủ động. Thành phố, ngành du lịch, các đơn vị liên quan nên có các chuyến khảo sát, học tập các cảng lớn trong khu vực về đón, khai thác khách tàu biển như tại Singapore, Malaysia…
Đồng thời, Cảng Đà Nẵng cũng phải là đơn vị chủ lực nâng cao năng lực đón tiếp các tàu khách cập cảng hơn nữa so với thực tế hiện nay. Ngành du lịch nên đề xuất với thành phố có đề án phát triển du lịch tàu biển thành phố, trong đó nghiên cứu định hướng, lộ trình, phân công cụ thể nhiệm vụ phát triển của các đơn vị liên quan thì mới phát triển mạnh được. Phải làm sao để cảng dành cho du lịch tàu biển phải là cảng mở, trên bến dưới thuyền tấp nấp khách thì mới có thể phát triển mạnh du lịch tàu biển.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương, trong định hướng phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố xác định du lịch tàu biển là một trong những nguồn khách chủ lực, quan trọng của ngành du lịch thành phố. Trong đó, thành phố tập trung đầu tư cảng Liên Chiểu để hướng cảng Tiên Sa trở thành cảng chuyên phục vụ khách du lịch tàu biển; kêu gọi đầu tư hình thành các dịch vụ phục vụ khách đạt tiêu chuẩn quốc tế tại cảng như nhà chờ, dịch vụ giải trí, mua sắm tại chỗ (lưu niệm, ẩm thực, nghệ thuật)...
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cùng với các doanh nghiệp nghiên cứu thị hiếu của khách để tạo ra các sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù; triển khai công tác xúc tiến bằng cách đi khảo sát, tham gia quảng bá tại các hội chợ lớn về du lịch tàu biển… Thành phố tiếp tục đầu tư, nâng cấp các sản phẩm phục vụ khách tàu biển hiện nay; khôi phục một số làng nghề truyền thống; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp khám phá, trải nghiệm phong tục tập quán, văn hóa địa phương, vùng miền để thu hút khách quốc tế, nhất là thị trường khách châu Âu, Bắc Mỹ.
THU HÀ