Thúc đẩy nhanh chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái

.

Theo Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 2-4-2021 của UBND thành phố về ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái, đến năm 2030 có từ 2-3 KCN sinh thái. Vì vậy, để doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, hướng đến mục tiêu hình thành KCN sinh thái đang được các đơn vị liên quan đẩy mạnh.

Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để sản xuất sạch hơn. Ảnh: M.Q
Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để sản xuất sạch hơn. Ảnh: M.Q

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là định hướng của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng. Ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc công ty cho biết, nhà máy sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào toàn bộ quá trình nấu bia thay vì sử dụng dầu diesel và phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho toàn bộ các hoạt động sản xuất của nhà máy. Trong khâu đóng gói, 100% chai thủy tinh được tái sử dụng hơn 30 lần, nhờ vậy, tỷ lệ chai thủy tinh tái sử dụng đạt 97%.

Két nhựa đựng chai bia cũng được thiết kế theo hướng tái sử dụng nhiều nhất có thể. Đối với sản phẩm đóng lon, doanh nghiệp sử dụng thùng giấy các-tông và lon nhôm có khả năng tái chế 100%. Trong khâu quản lý chất thải, 99% phụ phẩm, chế phẩm được tái chế, tái sử dụng. Theo ông Phúc, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững của doanh nghiệp, hướng tới sản xuất sạch hơn.

Trong khi đó, Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) tham gia dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” ngay từ năm 2016.

Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc công ty thông tin, sau khi áp dụng nhiều giải pháp đổi mới công nghệ như tăng năng lực xử lý cho hệ thống xử lý nước thải, đầu tư thiết bị ép và băng chuyền vận chuyển nguyên liệu…, công ty tiết kiệm được nhiều chi phí điện, nước, hóa chất, chất thải. Đơn cử, với khoảng 70 tấn giấy sản xuất thành phẩm, công ty chỉ thải ra trung bình 1,5 tấn rác thải, chủ yếu là băng keo có thể tái sử dụng.

Được biết, đây là 2 trong nhiều doanh nghiệp tại KCN Hòa Khánh tham gia tiêu chí về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), qua đó góp phần tiết kiệm chi phí cũng như cải thiện môi trường sản xuất. Từ năm 2015, KCN Hòa Khánh là 1 trong 3 KCN đầu tiên trên cả nước tiên phong tham gia dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”.

Từ năm 2019, KCN Hòa Khánh tiếp tục tham gia giai đoạn 2 dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu”. Dự án do Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, có 228 giải pháp được áp dụng, ước tính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm; giảm gần 50.000m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm.

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam tiến hành nhiều đợt đánh giá tiềm năng xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp tại KCN Hòa Khánh. Hiện nay, KCN Hòa Khánh có 1 liên kết cộng sinh công nghiệp tiềm năng giữa Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng và Công ty CP Đầu tư Sản xuất Năng lượng xanh.

Đối chiếu về tiêu chí KCN sinh thái theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28-5-2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, KCN Hòa Khánh còn thiếu 2 tiêu chí là tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp RECP còn thấp và việc phát triển mở rộng các mô hình cộng sinh công nghiệp còn hạn chế.

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (ban quản lý) thông tin, một vướng mắc trong chuyển đổi KCN sinh thái hiện nay là nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ  hạn chế, thủ tục còn phức tạp, chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó, các KCN trên địa bàn thành phố đã tồn tại một số mô hình tuần hoàn chất thải, nhưng hầu hết tự phát và ở quy mô nhỏ. Do đó, cần thêm các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 20-7 đến 4-8 vừa qua, ban quản lý tổ chức tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh tại KCN Hòa Khánh đăng ký nhận hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Theo đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gồm chuyên gia đánh giá miễn phí và xây dựng các giải pháp RECP tại đơn vị (2-4 ngày tùy loại hình sản xuất), tập huấn cho cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật thực hiện các giải pháp RECP tiềm năng và đánh giá hiệu quả triển khai tại đơn vị.

Các đơn vị hoàn thành sẽ được cung cấp chứng nhận thực hiện các giải pháp RECP và hướng dẫn sử dụng bộ công cụ hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7-1-2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Thời gian tới, ban quản lý tiếp tục nghiên cứu chính sách phát triển KCN sinh thái tại một số quốc gia trong khu vực nhằm tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới công nghệ sản xuất để giảm các nguồn gây ô nhiễm, thực hiện cộng sinh công nghiệp và chuyển đổi thành KCN sinh thái; đồng thời, xây dựng kênh thông tin giữa các quỹ tài chính xanh và các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận  phù hợp.

Các tiêu chí KCN sinh thái gồm: tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp RECP; có ít nhất 1 liên kết cộng sinh công nghiệp; áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp; bảo đảm tối thiểu 25% diện tích cho các công trình, hạ tầng dùng chung như đường giao thông, cây xanh, khu kỹ thuật hỗ trợ, chiếu sáng…; có giải pháp bảo đảm nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động; KCN có quy chế và kế hoạch bảo vệ môi trường hằng năm, giám sát đầu vào, đầu ra về nguyên, nhiên liệu, chất thải và có báo cáo bảo vệ môi trường hằng năm được công khai.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.