Triều Tiên gửi thông điệp đến Mỹ

.

Việc CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 lần thứ 2 vào cuối tuần qua được cho là gửi thông điệp đến Mỹ rằng, Bình Nhưỡng có thể phóng tên lửa ở bất kỳ nơi đâu và bất kỳ lúc nào.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 được phóng vào cuối tuần qua. 		 Ảnh: AFP
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 được phóng vào cuối tuần qua. Ảnh: AFP

Hãng AFP dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên khẳng định nước ông có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Mỹ và vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 ngày 28-7 vừa qua là “cảnh báo mạnh mẽ” đến Washington.

Phát biểu của ông Kim Jong-un được đưa ra sau vụ thử mới nhất thành công, được các chuyên gia vũ khí cho rằng có thể đặt New York vào tầm ngắm và đây là một thách thức lớn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, CHDCND Triều Tiên có thể phóng tên lửa “bất kỳ nơi đâu và bất kỳ lúc nào”. Các chuyên gia phương Tây còn cho rằng, tên lửa có thể vươn xa đến Denver và Chicago của Mỹ.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cũng ca ngợi vụ phóng là một minh chứng về năng lực quân sự của Bình Nhưỡng mà Washington không thể xem thường. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh, nếu Mỹ vẫn theo đuổi các giải pháp quân sự chống Bình Nhưỡng, nước này sẽ có hành động cứng rắn.

Tổng thống Trump mô tả vụ phóng là “liều lĩnh và nguy hiểm”; đồng thời bác bỏ tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng, những vụ thử như thế giúp bảo đảm an ninh cho đất nước. Ông Trump cam kết thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo đảm an ninh cho Mỹ và bảo vệ các đồng minh ở khu vực.

Theo các chuyên gia vũ khí, độ cao và thời gian bay của tên lửa được CHDCND Triều Tiên phóng ngày 28-7 mạnh hơn đáng kể so với vụ thử ICBM ngày 4-7. Tên lửa lần này đạt độ cao 3.750km và bay 998km khoảng 47 phút, sau đó rơi xuống biển Nhật Bản.

Ngày 30-7, Mỹ điều 2 máy bay ném bom siêu âm đến bán đảo Triều Tiên để thị uy sức mạnh. Theo đó, hai máy bay B-1 cất cánh từ một căn cứ không quân trên đảo Guam đến tham gia các cuộc tập trận chung với máy bay chiến đấu của Nhật Bản và Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên. Washington nói rằng, sứ mệnh này nhằm đáp trả vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tướng Terrence J. O’Shaughnessy, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, CHDCND Triều Tiên vẫn là mối đe dọa cấp bách nhất đối với an ninh khu vực. Theo ông, ngoại giao vẫn được duy trì hàng đầu nhưng Mỹ có trách nhiệm đối với các đồng minh và quốc gia nhằm thể hiện cam kết bền vững trong trường hợp xảy ra một kịch bản xấu nhất. “Nếu được yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng phản ứng nhanh với lực lượng vượt trội bất cứ lúc nào”, ông O’Shaughnessy nói.

Mỹ vẫn thường điều các máy bay chiến đấu trong lúc căng thẳng gia tăng với CHDCND Triều Tiên. Trong năm nay, các máy bay ném bom B-1 đã được phái đến Hàn Quốc nhiều lần nhằm phản đối các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Hiện Mỹ cân nhắc đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào “danh sách đen” theo một nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc. Washington có thể đề xuất “đóng băng” tài sản của ông Kim Jong-un, hạn chế xuất khẩu dầu mỏ sang CHDCND Triều Tiên và cấm nước này đưa công dân ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga có thể sẽ phản đối động thái này của Mỹ.

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng cảnh báo sẽ không tiếp tục để cho Trung Quốc “không làm gì cả” đối với CHDCND Triều Tiên, đồng thời bày tỏ thất vọng về Bắc Kinh. Ông Trump viết trên Twitter: “Tôi rất thất vọng về Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo trước đây của chúng ta đã để họ làm ra hàng trăm tỷ USD/năm về thương mại, nhưng họ không làm gì cho chúng ta đối với CHDCND Triều Tiên, mà chỉ nói thôi”.

Mỹ vốn thúc giục Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để yêu cầu CHDCND Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân. Theo Washington, tất cả phương án đều được đặt lên bàn trong việc đối phó với Bình Nhưỡng, nhưng cường quốc hàng đầu thế giới hướng đến phương án ngoại giao và trừng phạt. Song, Bắc Kinh - đồng minh ngoại giao và kinh tế chính của Bình Nhưỡng - phản đối việc can thiệp quân sự và khẳng định đối thoại vẫn là giải pháp duy nhất.

Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cho biết, quân đội nước này sẽ nâng cấp các hệ thống tên lửa Patriot để bảo vệ thủ đô Seoul và những khu vực lân cận trước mối đe dọa đang gia tăng từ CHDCND Triều Tiên.

VĨNH AN

;
.
.
.
.