Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tiếp cận thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng chưa rõ ông ủng hộ hay rút khỏi thỏa thuận. Trong khi đó, phía Iran tuyên bố sẵn sàng với bất kỳ kịch bản nào nếu nhà lãnh đạo Mỹ từ bỏ thỏa thuận.
Người dân Iran vui mừng khi Tehran và nhóm cường quốc P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. Ảnh: AP |
Hãng AP dẫn lời Tổng thống Donald Trump cho biết, ông đã có quyết định liên quan đến thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với nhóm cường quốc P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức), gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký kết năm 2015. “Tôi đã quyết định”, ông Trump tuyên bố với báo giới ngày 20-9 bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Song, ngay cả các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông Trump cũng không biết người đứng đầu Nhà Trắng quyết định như thế nào.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay, Tổng thống Trump không thông báo với ông và những người khác trong chính phủ về quyết định của mình, đồng thời từ chối chia sẻ với Thủ tướng Anh Theresa May. Chính ông Tillerson cũng ngạc nhiên khi Tổng thống Mỹ công khai rằng ông đã có quyết định. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng đã có cuộc gặp gỡ với các bên liên quan thỏa thuận, trong đó có Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa Mỹ và Iran kể từ khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông Tillerson vẫn cho rằng, trong khi Iran có thể đáp ứng các quy định của JCPOA thì bản thân nước Cộng hòa Hồi giáo này lại vi phạm tinh thần của thỏa thuận. Sau đó, ông thừa nhận báo cáo của cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp tục khẳng định Iran đang tuân thủ quy định của JCPOA.
Một quan chức cấp cao Iran nói với hãng tin Reuters rằng, Tehran đã chuẩn bị tất cả kịch bản nếu Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận. Phát biểu tại Liên Hợp Quốc trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, Tehran sẽ không phải là nước đầu tiên vi phạm JCPOA nhưng sẽ đáp trả kiên quyết và dứt khoát nếu bất kỳ bên nào vi phạm thỏa thuận.
Theo ông Robert Litwak - thành viên Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Bill Clinton và hiện là chuyên gia an ninh quốc tế tại Trung tâm Wilson, nếu Tổng thống Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng. “Mỹ sẽ có nguy cơ bị cô lập, chứ không chỉ Iran”, ông Litwak nói. Chuyên gia này còn nhận định, sẽ có lập luận logic rằng Iran không hợp tác theo tinh thần của thỏa thuận, bằng việc thử tên lửa, tài trợ, cung cấp vũ khí cho các nhóm khủng bố như Hezbollah và thúc đẩy nội chiến ở Yemen cũng như Syria. Song, những vấn đề nói trên không thực sự được đề cập trong thỏa thuận năm 2015.
Trong khi đó, theo ông Michael O’Hanlon, chuyên gia về chính sách ngoại giao tại Viện Brookings, nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận, “quả bóng ngay lập tức được chuyển sang sân của Iran”, Tehran có thể “có miếng bánh của mình và ăn nó”. Ông O’Hanlon lý giải, điều này có thể xảy ra để Iran giữ những lợi ích của nước này theo thỏa thuận, tiếp tục xuất khẩu dầu một cách hợp pháp. Một vài năm sau, quốc gia này có thể không đồng tình và cho rằng thỏa thuận vô hiệu do thiếu sự tham gia của Mỹ; từ đó, Tehran có thể nối lại các hoạt động hạt nhân. Vì vậy, theo các nhà quan sát, không có viễn cảnh hấp dẫn cho các nhà làm luật của Mỹ, bởi Iran buộc họ phải lựa chọn: hoặc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, hoặc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới từ một nhóm quốc gia chắc chắn sẽ từ bỏ quan hệ thương mại với Tehran.
Thực tế, kể từ khi JCPOA được ký kết năm 2015, Iran gia tăng quan hệ thương mại với các nước châu Á và châu Âu, nhưng không có Mỹ. Song, Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các công ty có quan hệ làm ăn với Iran. Châu Âu hiện muốn duy trì JCPOA. “Sẽ là bi kịch khi JCPOA đứng trước nguy cơ đổ vỡ vào thời điểm những quốc gia khác như CHDCND Triều Tiên đang phát triển chương trình hạt nhân và chúng ta cần những thỏa thuận như vậy hơn bao giờ hết”, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh.
Một chuyên gia tại Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng, việc hủy bỏ thỏa thuận cũng có thể làm tổn hại Mỹ khi cường quốc này đàm phán với các nước khác trong những vấn đề riêng.
Theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran phải cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế về tài chính, kinh tế và dầu mỏ. Song, trong vấn đề Iran, Tổng thống Donald Trump có quan điểm cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama. Tháng 10 tới, ông Trump sẽ phải đánh giá Iran có tuân thủ JCPOA hay không. Nếu ông chủ Nhà Trắng nói “không”, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định việc áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Hãng NBC cho rằng, nhà lãnh đạo Mỹ có hướng bác bỏ thỏa thuận. |
PHÚC NGUYÊN