CẢI TỔ LIÊN HỢP QUỐC

Mỹ - Nga lại chia rẽ

.

Tuyên bố gồm 10 điểm kêu gọi cải tổ Liên Hợp Quốc (LHQ) do Mỹ soạn thảo không nhận được sự ủng hộ của Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bìa phải) bày tỏ sự ủng hộ những nỗ lực cải tổ Liên Hợp Quốc của Tổng Thư ký Antonio Guterres (trái, hàng trước).                                                Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bìa phải) bày tỏ sự ủng hộ những nỗ lực cải tổ Liên Hợp Quốc của Tổng Thư ký Antonio Guterres (trái, hàng trước). Ảnh: AP

Tổng cộng 128 quốc gia đã ký vào tuyên bố chính trị gồm 10 điểm ủng hộ nỗ lực cải cách LHQ. Riêng Nga, Trung Quốc và một số nước khác không ký. Mátxcơva cho rằng, không có lý do gì để Nga ủng hộ một tuyên bố thực ra chỉ là lời đề nghị của một nước.

Theo Reuters, Nga cho rằng, những đề xuất của chính phủ Tổng thống Donald Trump về việc cải tổ LHQ là bước tiến lớn trong “hệ thống tổ chức của Mỹ” nhằm hướng đến một trật tự thế giới đơn cực, giảm thiểu vai trò của LHQ trong cấu trúc của thế kỷ 21. Vì vậy, theo ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Hạ viện Nga, nước ông chưa sẵn sàng ủng hộ hoặc tuyên bố tham gia tiến trình này.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói thẳng thừng: “Chúng tôi cần đàm phán, chứ không cần tuyên bố”, bởi Mỹ đã tự ý đưa ra tuyên bố về việc cải tổ mà không có sự tham vấn hay sự đồng thuận của các nước thành viên, như thế chẳng khác gì chỉ đơn thuần là lời đề nghị của một mình.
Tuyên bố về việc cải tổ được Tổng thống Donald Trump đưa ra bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ ngày 18-9 (giờ New York). Theo đó, ông Trump cho rằng, LHQ chưa hoạt động hết khả năng trong những năm gần đây do tình trạng quan liêu, quản lý kém và Mỹ cũng chưa thấy kết quả hoạt động tương xứng với sự đầu tư của Washington vào cơ quan được thành lập vào năm 1945 này.

Báo New York Times cho biết, thông điệp “Hãy làm LHQ trở nên vĩ đại” được Tổng thống Mỹ gửi đến các nhà lãnh đạo thế giới trong bài phát biểu có tựa đề “Cải tổ LHQ: Quản lý, An ninh và Phát triển”. Theo đó, tại diễn đàn đặc biệt này, ông kêu gọi các thành viên LHQ tập trung hơn vào các dự án, chẳng hạn như sứ mệnh gìn giữ hòa bình, đồng thời phàn nàn rằng Mỹ phải chi trả những khoản chi phí khổng lồ. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, các nước khác cần thúc đẩy sự đóng góp cả tài chính lẫn quân sự cho LHQ. “Chúng tôi bảo đảm rằng, không ai và không thành viên nào chịu chia sẻ gánh nặng không tương xứng”, ông Trump nói.

Sự đóng góp của Mỹ hiện chiếm khoảng 22% ngân sách của LHQ. Song, trong bài phát biểu, ông Trump không nhắc đến đề xuất giảm mạnh phần ngân sách của Mỹ chi cho LHQ, chỉ nói rằng nếu các nước thành viên đoàn kết lại để tiến hành cải tổ LHQ thì tổ chức này sẽ trở thành lực lượng mạnh hơn và hoạt động hiệu quả hơn trong vấn đề mang lại hòa bình cho thế giới. Thực tế, trong đề xuất ngân sách liên bang cho tài khóa 2018, chính phủ Mỹ muốn cắt giảm hơn 30% ngân sách cho các hoạt động ngoại giao và viện trợ nước ngoài (tổng cộng gần 19 tỷ USD, trong đó có giảm 1 tỷ USD cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ).

Đại sứ Mỹ Nikki Haley tại LHQ mô tả cuộc họp bàn về vấn đề cải tổ là dấu hiệu cho thấy “một ngày mới thật sự ở LHQ”. Trước đó, khi tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump dùng những lời lẽ “cứng rắn” hàm ý chê bai để nói về LHQ. “LHQ không phải là người bạn của dân chủ, không phải là người bạn của tự do”, ông Trump nói; đồng thời mô tả cơ quan quốc tế này là “một câu lạc bộ để mọi người ngồi với nhau, tán gẫu…”. Lúc nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1-2017, ông Trump cũng kêu gọi cải tổ để LHQ trở nên mạnh mẽ hơn. Một số thành viên LHQ bày tỏ lo ngại rằng, quan điểm chính sách đối ngoại của ông Trump, nhất là chủ trương “Nước Mỹ là trên hết”, có thể làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu, làm suy yếu những nỗ lực của tổ chức này trong việc thúc đẩy các giải pháp hòa bình đối với những tranh chấp quốc tế.

Xung quanh vấn đề này, cũng có những đồn đoán về sự vắng mặt bất thường của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ. Người thay thế Tổng thống Putin dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Song, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ những đồn đoán và khẳng định không có gì bất thường…

Liên Hợp Quốc (LHQ) là tổ chức có mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha cho rằng, tổ chức mà ông đang đứng đầu cần trở nên “nhanh nhẹn hơn, hiệu quả hơn và linh hoạt hơn”. LHQ hiện bắt đầu kế hoạch cải tổ ở những lĩnh vực: bảo đảm bình đẳng giới trong bộ máy LHQ, củng cố các cơ cấu chống khủng bố, chấm dứt tình trạng binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình lạm dụng tình dục…

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.