Mỹ xoa dịu Triều Tiên

.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định Washington muốn một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân đang leo thang với CHDCND Triều Tiên.

CHDCND Triều Tiên khẳng định nước này sẵn sàng phòng vệ trước một cuộc tấn công từ Mỹ. Trong ảnh: Một cuộc diễu binh của CHDCND Triều Tiên tại thủ đô Bình Nhưỡng. 	 						 Ảnh: AFP
CHDCND Triều Tiên khẳng định nước này sẵn sàng phòng vệ trước một cuộc tấn công từ Mỹ. Trong ảnh: Một cuộc diễu binh của CHDCND Triều Tiên tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho rằng, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis là sự xoa dịu giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa cường quốc này với CHDCND Triều Tiên. Ông Mattis nhấn mạnh: “Chúng tôi duy trì khả năng ngăn chặn những mối đe dọa nguy hiểm nhất của CHDCND Triều Tiên nhưng cũng trở lại ngoại giao…”. Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định, mục tiêu của Mỹ là giải quyết khủng hoảng theo cách ngoại giao. “Và tôi tin rằng, Tổng thống Trump rất rõ về vấn đề này”, ông Mattis nói tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ).

Căng thẳng lại dấy lên sau khi Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên Ri Yong-ho cho rằng, Tổng thống Donald Trump đã “tuyên bố chiến tranh” với nước này và khẳng định Bình Nhưỡng có quyền phản công như bắn rơi máy bay Mỹ, kể cả khi máy bay này không xâm phạm không phận của Triều Tiên. “Cả thế giới nên nhớ rõ rằng, Mỹ đã tuyên bố chiến tranh trước đối với nước chúng tôi”, ông Ri Yong-ho phát biểu với báo giới tại New York (Mỹ) ngày 25-9.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã có một động thái bất thường: bác bỏ thông tin nói trên và để ngỏ về cuộc xung đột với CHDCND Triều Tiên. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Mỹ không hề tuyên chiến với Triều Tiên và quan điểm cho rằng Washington tuyên chiến với Bình Nhưỡng là hoang đường. Bà Sanders còn nhấn mạnh, mục tiêu của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên không thay đổi: Tiếp tục theo đuổi giải giáp hạt nhân CHDCND Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình.

Cuối tuần trước, Mỹ triển khai các máy bay ném bom B-1B đến bán đảo Triều Tiên nhằm biểu dương lực lượng thì nay, theo hãng Yonhap, Triều Tiên cũng điều máy bay đến bờ biển phía đông và gia tăng các biện pháp phòng thủ. Bình Nhưỡng luôn khẳng định cần chương trình vũ khí hạt nhân để phòng vệ trước khả năng tấn công từ Mỹ; đồng thời nước này thường dọa hủy diệt Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Những lần “khẩu chiến” với mức độ được đẩy cao hơn mức bình thường làm dấy lên lo ngại rằng, sự tính toán sai lầm từ cả hai phía sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng H.R. McMaster tuy ủng hộ việc Tổng thống Trump từng tuyên bố “hủy diệt hoàn toàn” CHDCND Triều Tiên nhưng cũng cho rằng, căng thẳng có nguy cơ leo thang với bất kỳ biện pháp quân sự nào của Mỹ. “Chúng tôi nghĩ không có giải pháp quân sự dễ dàng cho vấn đề này”, ông McMaster nói, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng bất kỳ giải pháp nào được đưa ra cũng sẽ là sự nỗ lực của quốc tế.

Trong lúc đó, phát biểu tại thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng, sẽ không có ai chiến thắng nếu chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Ông Lục Khảng cho biết, Bắc Kinh hy vọng Mỹ và CHDCND Triều Tiên có thể nhận thấy việc sử dụng biện pháp quân sự không bao giờ là phương án khả thi. Hơn nữa, Trung Quốc cũng phản đối sự leo thang trong cuộc “khẩu chiến” giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Theo các nhà phân tích quân sự, CHDCND Triều Tiên không có khả năng hoặc không có ý định tấn công các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Mỹ. Giới quan sát xem phát biểu nói trên của Ngoại trưởng Ri Yong-ho là sự “ăn miếng trả miếng” nhằm đáp lại những tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Trump và quan điểm cứng rắn của ông đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cựu quan chức quân sự Hàn Quốc Moon Seong Mook, hiện là nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Hàn Quốc có trụ sở ở Seoul cho rằng, có khả năng rất cao CHDCND Triều Tiên không thể thực hiện như những gì ông Ri Yong-ho nói.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.