Bài phát biểu của ông Trump có thể coi là chưa có tiền lệ hoặc ít ra cũng sẽ trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Đại hội đồng LHQ.
Tổng thống Donald Trump trở lại ghế ngồi sau bài phát biểu hùng hồn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo, Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này, nếu không, ông đe dọa sẽ xóa sổ Triều Tiên, một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc (LHQ). Và ông nhấn mạnh một lần nữa tuyên bố lạ thường của mình trên mạng xã hội Twitter cùng với biệt danh khá sỗ sàng đặt cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, “Người hỏa tiễn” (Rocket Man).
“Nếu [Mỹ-ND] buộc phải phải bảo vệ lợi ích của bản thân hay các đồng minh của mình, chúng tôi sẽ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt toàn bộ Triều Tiên”, ông Trump phát biểu trước gần 200 nhà lãnh đạo thế giới, khuấy đảo cả hội trường vốn luôn đầy ắp bầu không khí ngoại giao.
“Người hỏa tiễn (nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) đang trên hành trình tự sát của bản thân ông ta và chính quyền của ông ta” – ông Trump nêu rõ.
Khó có thể lục tìm được bài phát biểu nào của một nhà lãnh đạo thế giới trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thể đạt đến độ mạnh miệng như thế, có chăng cũng chỉ kịch tính như việc cố lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi xé nát Hiến chương Liên Hợp Quốc ngay trên bục phát biểu. Nhưng đe dọa xóa sổ một đất nước 25 triệu dân như ông Trump thì chưa có ai. Không có ai!
Một Tổng thống Donald Trump “khó lường”
Các thành viên Liên Hợp Quốc vốn đã chờ đợi bài phát biểu của đương kim Tổng thống Mỹ trong sự lo âu, hồi hộp, một bầu không khí tương phản rõ rệt với sự điềm tĩnh trước bài phát biểu đầu tiên của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Nhưng Tổng thống Donald Trump không tấn công bản thân Liên Hợp Quốc như nhiều người đã lo sợ dù trước đó ông chỉ trích tổ chức này chỉ là một “câu lạc bộ bất tài” dành cho giới tinh hoa.
Thực tế, ông lại dường như chấp nhận việc tổ chức này đóng một vai trò trong tầm nhìn của ông về trật tự thế giới dù ấn tượng chung tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là ông Trump theo chủ nghĩa biệt lập và đơn phương.
Nhưng ông lại làm gia tăng những quan ngại về cuộc chiến hùng biện với Triều Tiên và những lo lắng về việc ông sẽ rũ bỏ thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử với Iran, 2 vấn đề tưởng chừng tách biệt nhưng lại có sự soi chiếu lẫn nhau.
Ông Trump gọi thỏa thuận này là “một nỗi hổ thẹn đối với Mỹ” và gọi Iran là “một đất nước bất hảo với nền kinh tế cạn kiệt” chỉ biết xuất khẩu bạo lực. Theo luật Mỹ, cứ 90 ngày, Tổng thống phải báo cáo lại với Quốc hội về việc Iran có tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và thỏa thuận này có phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ hay không. Tổng thống Donald Trump đã có nhiều dấu hiệu ám chỉ ông sẽ không tiếp tục công nhận những điều đó vào thời hạn báo cáo tiếp theo vào giữa tháng 10 tới và điều đó sẽ kích hoạt một tiến trình lập pháp ở Mỹ nhằm rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuyên bố nảy lửa và sự hiểu lầm chết người
Ông Trump mở đầu bài phát biểu của mình bằng việc nhắc tới chính sách “Nước Mỹ trên hết” và như thường lệ, liệt kê những thành tựu kinh tế của ông kể từ sau khi được bầu làm Tổng thống. Đối với dư luận quốc tế, ông Trump diễn giải chính sách “Nước Mỹ trên hết” này theo ngôn ngữ chủ quyền quốc gia được gắn với nguyên tắc nền tảng của Liên Hợp Quốc, điều mà Nga và Trung Quốc thường viện dẫn.
Về bản chất, ông Trump cho rằng mọi quốc gia cần phải đặt lợi ích của chính người dân nước đó lên trên hết. Trên nền tảng đó, các nước có thể hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu hơn là để những thể chế quốc tế đặt ra chương trình nghị sự cho họ. Đặt lợi ích quốc gia hơn hay là những giá trị tư tưởng phổ quát hơn đang là tâm điểm các cuộc tranh cãi trong quá trình ban hành chính sách đối ngoại ở Mỹ.
Nhưng điều đó hiếm khi đồng nghĩa với việc rút lui khỏi chủ nghĩa quốc tế như là quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Hoặc nó chỉ thể hiện thuật ngữ chuyển giao của ông Trump rằng, đối với doanh nhân người New York này, tất cả chỉ xoay quanh việc chấm dứt “những thỏa thuận tồi tệ” cho nước Mỹ và tìm kiếm những thỏa thuận tốt hơn.
Từ đó trở lại với vấn đề Triều Tiên, câu hỏi đặt ra là ông Trump có thể đạt được một thỏa thuận như thế nào với Binh Nhưỡng bằng những lời đe dọa hủy diệt như trên.
Các thành viên Liên Hợp Quốc băn khoăn về việc làm thế nào lôi kéo hay ép buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ trong khi Tổng thống Donald Trump đang tìm mọi cách rũ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran. Hay liệu Tổng thống Mỹ chỉ đang cố gắng tận dụng sự ủng hộ lớn hơn của Liên Hợp Quốc đối với các lệnh trừng phạt khắt khe thông qua việc sử dụng cách nói “theo chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi” mà chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush đã sử dụng khi nhắc tới “trục ma quỷ” (Axis of Evil).
“Nước Mỹ sẵn sàng, sẵn lòng và có thể (hành động quân sự) nhưng hy vọng là điều đó không cần thiết”, ông Trump nói. “Đó là ý nghĩa của Liên Hợp Quốc, là những gì mà cơ quan này ủng hộ. Hãy xem họ sẽ làm như thế nào”.
Rất có thể các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn theo đuổi chiến lược ngoại giao trên hết nhưng nếu không có kênh liên lạc với Bình Nhưỡng thì khó có cách nào giải thích sự leo thang đáng kinh ngạc trong những tuyên bố hùng hồn của ông Trump về Triều Tiên.
“Khi căng thẳng leo thang, khả năng tính toán sai lầm cũng gia tăng”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tiên lượng trong bài phát biểu ngay trước Tổng thống Donald Trump. “Một cuộc đối thoại nảy lửa có thể dẫn tới những hiểu lầm chết người”.
Theo VOV