Trong mối lo ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc thống nhất hợp tác nhằm thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Liên Hợp Quốc nhằm chống lại Bình Nhưỡng.
Người dân Hàn Quốc biểu tình và đụng độ với cảnh sát khi phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại thị trấn Seongju ngày 7-9. Ảnh: AP |
Hãng AFP cho biết, Hàn Quốc hiện tăng cường phòng thủ bằng việc vận hành tên lửa đạn đạo Hyunmoo II, tên lửa hành trình Hyunmoo III và hệ thống tên lửa chiến thuật (ATACMS); đồng thời quyết tâm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD), bất chấp sự phản đối của người dân xứ sở kim chi. Việc lắp đặt thêm 4 bệ phóng của THAAD ở thị trấn Seongju, phía đông nam Hàn Quốc, đã dẫn đến các cuộc biểu tình, đụng độ giữa 400 người dân địa phương với cảnh sát từ đêm 6-9 đến ngày 7-9. Hệ thống THAAD được triển khai ở Hàn Quốc gồm 6 bệ phóng với 48 tên lửa đánh chặn, đến nay chỉ 2 bệ phóng được vận hành.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh song phương bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 3 (EEF) tại thành phố Vladivostok, khu vực Viễn Đông của Nga ngày 7-9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thống nhất hợp tác thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Liên Hợp Quốc nhằm vào CHDCND Triều Tiên, đồng thời cam kết nỗ lực thuyết phục Trung Quốc và Nga ngừng cung cấp dầu mỏ cho Bình Nhưỡng. “CHDCND Triều Tiên phải tuân thủ tất cả nghị quyết của Liên Hợp Quốc, ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa”, Thủ tướng Abe nói.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin và thúc giục Mátxcơva ủng hộ các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn. Song, nhà lãnh đạo Nga kêu gọi đàm phán với CHDCND Triều Tiên và cho rằng, trừng phạt không phải là giải pháp. Ông Putin bày tỏ quan ngại việc ngừng cung cấp dầu mỏ sẽ gây thiệt hại cho người dân CHDCND Triều Tiên. Thủ tướng Moon Jae-in cũng muốn áp đặt lệnh cấm đối với lao động nước ngoài của CHDCND Triều Tiên nhưng Tổng thống Putin cho rằng, vấn đề này nên được giải quyết bằng ngoại giao, đồng thời nhận định khủng hoảng Triều Tiên sẽ không leo thang thành xung đột quy mô lớn có liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Theo AFP, việc CHDCND Triều Tiên thử các tên lửa tầm xa có thể vươn đến Mỹ và vụ thử hạt nhân mới đây đang làm dấy lên tranh cãi ở Nhật Bản cũng như Hàn Quốc về vấn đề phát triển vũ khí đánh chặn hạt nhân của các nước này. Một câu hỏi được đặt ra là, trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện với CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump có bảo vệ các đồng minh truyền thống là Nhật Bản và Hàn Quốc hay không.
Khi là ứng viên tổng thống, ông Trump đề nghị Nhật Bản và Hàn Quốc cần có trách nhiệm hơn đối với việc tự phòng vệ. Vì vậy, chính sách “nước Mỹ là trên hết” của ông Trump khi tiếp quản Nhà Trắng tạo ra lo ngại rằng, việc bảo vệ các đồng minh ở cách xa hàng chục ngàn ki-lô-met của Washington sẽ giảm đi.
Với Nhật Bản, trong nhiều thập niên qua, chính phủ duy trì nguyên tắc “3 không”: không sản xuất, không sở hữu và không cho phép vũ khí hạt nhân. Tương tự, Hàn Quốc luôn tuân thủ cam kết tôn trọng hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)
Các thăm dò cho thấy, công chúng Nhật Bản phản đối việc triển khai các tên lửa hạt nhân ở quốc gia này. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba nhận định, nếu Tokyo phát triển bom có nghĩa là “bất kỳ nước nào khác cũng có thể làm như vậy”. Song, giáo sư danh dự Takehiko Yamamoto về chính trị quốc tế và an ninh khu vực tại Đại học Waseda ở Tokyo nói: “Nhật Bản vẫn duy trì các công nghệ và có đủ plutonium để sản xuất hàng chục vũ khí hạt nhân”.
Theo các nhà quan sát, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện lo ngại “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ không đủ an toàn, đồng thời kêu gọi phải tăng cường phòng thủ. Ông Walter Russell Mead, chuyên gia của Viện Hudson có trụ sở tại Washington, cảnh báo nguy cơ Mỹ “buông tay” các đồng minh. “Việc Mỹ rút lui ở Thái Bình Dương có thể sẽ dẫn đến các cuộc chạy đua vũ trang và đối đầu quân sự hơn là sự phát triển hòa bình”, ông Walter Russell Mead viết trên báo Wall Street Journal ngày 6-9.
Ngày 7-9, Trung Quốc tán thành việc Liên Hợp Quốc nên có thêm hành động chống lại CHDCND Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Song, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, trừng phạt chỉ là một nửa giải pháp và phải được kết hợp với đối thoại cũng như đàm phán để giải quyết khủng hoảng. |
PHÚC NGUYÊN