Vụ thử nghiệm hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên làm dấy lên mối lo ngại về việc nước này có thể sử dụng bom xung điện từ để tấn công các mục tiêu.
Loại vũ khí gây chết chóc hơn nhiều so với bom nhiệt hạch. (Ảnh minh họa) |
Không lâu sau khi tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, Triều Tiên lại khiến người Mỹ đứng ngồi không yên khi lần đầu tiên đề cập tới khả năng cũng như cách thức tấn công bằng xung điện từ (EMP).
"Loại bom H mới thử nghiệm có thể được kích nổ ở độ cao lớn, tạo ra những vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) cực kỳ nguy nguy hiểm", hãng KCNA hôm 3/9 cho hay.
Trước đó, giới chuyên gia cũng từng nhiều lần nhắc đến vũ khí bí mật này của Triều Tiên, nhưng nỗi lo đang hiện hữu hơn bao giờ hết khi Bình Nhưỡng lần đầu tiên đề cập tới loại bom còn nguy hiểm hơn bom nhiệt hạch này.
Bom xung điện từ (EMP) là loại vũ khí có mục đích phá hủy các cơ sở vật chất điện và điện tử ở một mục tiêu nhất định. Nó có khả năng phá hoại hệ thống điện lưới của đối phương và các cơ sở chỉ huy, tiền đồn quan trọng.
Do các cơ sở hạ tầng hiện nay đều phụ thuộc vào điện tử, một cuộc tấn công xung điện từ sẽ khiến mạng lưới điện, sóng di động, giao thông, hệ thống phân phối thực phẩm bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
Vì vậy, theo một cách gián tiếp, một vụ nổ EMP ở tầng trên nếu về lâu dài có thể cướp đi sinh mạng hàng triệu người, tức là khủng khiếp hơn cả một vụ tấn công hạt nhân.
"Có thể sẽ mất vài tháng để nhận thấy sức tàn phá khủng khiếp của nó, nhưng với việc thực phẩm không được bảo quản và không có nguồn cung tới từ các nông trại, hàng triệu người cuối cùng sẽ không thể trụ nổi", tiến sỹ Peter Vincent Pry, Giám đốc điều hành Lực lượng an ninh quốc gia Mỹ nhận định.
"Bên cạnh đó, nếu không có điện, chúng ta sẽ trở về một thời kỳ nơi mà đa số người dân Mỹ không có đủ năng lực và kinh nghiệm cần thiết để tồn tại và duy trì sự sống", ông Pry nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Pry, nhiều chuyên gia quân sự lo ngại Bình Nhưỡng có thể đang tính tới khả năng cho kích nổ vũ khí hạt nhân tầm cao, tạo ra sóng xung điện từ đủ mạnh để phá hủy hệ thống điện tử phía dưới, kéo theo đó là những hậu quả khôn lường.
Triều Tiên được cho là đang sở hữu hai vệ tinh được phóng lên từ năm 2012 và 2016. Mỗi vệ tinh sẽ mất 94 phút để hoàn thành quỹ đạo quay xung quanh Trái Đất.
Ông Pry cho rằng không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng luôn đặt hai vệ tinh này ở vị trí gần hoặc ngay phía trên bầu trời Mỹ và sẽ biến nó thành vũ khí xung điện nhằm vào hầu hết lãnh thổ nước này./.
Theo VOV