Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy thúc giục các thượng nghị sĩ ủng hộ các biện pháp cứng rắn đối với Catalonia nhằm ngăn chặn việc vùng này đơn phương tuyên bố độc lập.
Những người ủng hộ ly khai tham gia biểu tình ở Barcelona, thủ phủ của Catalonia. Ảnh: AFP |
Ngày 27-10, Thượng viện nhóm họp để thông qua các biện pháp khẩn cấp nhằm áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp của chính phủ Trung ương đối với Catalonia sau cuộc trưng cầu dân ý của khu vực này hồi đầu tháng. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Mariano Rajoy đề nghị Thượng viện - nơi đảng của ông chiếm đa số ghế, ủng hộ phế truất lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont, cấp phó và toàn bộ quan chức trong chính quyền vùng tự trị này.
Nếu Thượng viện ủng hộ việc “mạnh tay” với Catalonia, ông Rajoy sau đó sẽ nhóm họp nội các để thông qua những biện pháp đầu tiên trong việc kiểm soát trực tiếp chính quyền vùng đông bắc giàu có, nơi có 7,5 triệu dân sinh sống. Cụ thể, chính phủ Madrid sẽ thực thi các giải pháp theo điều 155 của Hiến pháp và những giải pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 28-10. Theo đó, chính phủ Trung ương sẽ tạm thời tiếp quản trụ sở các cơ quan, cảnh sát, tài chính và đài phát thanh, truyền hình của Catalonia. Tuy nhiên, theo Reuters, động thái này sẽ làm dấy lên phản ứng tức giận từ những người theo chủ nghĩa ly khai, đồng thời càng làm khủng hoảng leo thang nghiêm trọng.
Thủ tướng Rajoy nói rằng, Tây Ban Nha đang đối mặt với một thách thức chưa từng có trong lịch sử gần đây. Ông chỉ trích chính quyền Catalonia phớt lờ luật pháp và chế nhạo nền dân chủ; cho rằng những gì diễn ra ở Catalonia là “sự vi phạm rõ ràng về luật pháp, nền dân chủ, quyền của mọi người và sẽ mang đến những hệ lụy”. Người đứng đầu chính phủ khẳng định: “Điều duy nhất có thể được làm và nên được làm là chấp nhận và tuân thủ pháp luật”.
Nhiều người hy vọng các nhà lãnh đạo Catalonia “lùi bước”, không tuyên bố độc lập để tránh làm khủng hoảng leo thang. Song, nghị viện Catalonia - nơi phe ủng hộ ly khai chiếm đa số - cũng nhóm họp vào chiều 27-10 tại Barcelona, thủ phủ của Catalonia, để bỏ phiếu quyết định tách khỏi Tây Ban Nha. Chính ông Carles Puigdemont cũng không kêu gọi bầu cử sớm tại khu vực, vốn được cho là giải pháp duy nhất nhằm cứu vãn tình hình và ngăn chặn sự “mạnh tay” từ Madrid. Vì vậy, theo các nhà quan sát, cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ sau khi nền dân chủ của Tây Ban Nha được tái lập năm 1975 sẽ chưa có hồi kết, thậm chí rơi vào bế tắc. Thủ tướng Rajoy ngày 27-10 gọi đe dọa tuyên bố độc lập của ông Puigdemont là “thách thức chưa từng có” và việc Madrid kích hoạt điều 155 của Hiến pháp để kiềm chế sự nổi dậy của lực lượng ly khai ở một trong số 17 khu vực của Tây Ban Nha cũng là điều chưa từng có. Vấn đề hiện nay là một số người ủng hộ độc lập cam kết theo đuổi chiến dịch chống đối và điều này sẽ dẫn đến nguy cơ đối đầu trực tiếp với lực lượng an ninh của chính phủ.
Hãng Reuters cho rằng, vẫn chưa rõ những gì có thể xảy ra tại Catalonia sắp tới. Song, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ngay lập tức sẽ phong tỏa bất kỳ tuyên bố độc lập nào và các nước châu Âu khác cũng sẽ không công nhận một “Nhà nước Catalonia” riêng rẽ. Xung quanh khủng hoảng này, các nhà lãnh đạo châu Âu đang lo ngại phong trào ly khai sẽ lan rộng ra khắp châu lục già cỗi.
THIÊN BÌNH