Mỹ tìm "hòa giải chính trị" ở Afghanistan

.

Bất ngờ đến Afghanistan ngày 13-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis bày tỏ tin tưởng vào chiến thắng ở quốc gia Nam Á này. Chiến thắng ở đây chính là sự hòa giải chính trị giữa Taliban và chính phủ Kabul.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (giữa) bất ngờ đến Kabul.Ảnh: Getty Images
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (giữa) bất ngờ đến Kabul.Ảnh: Getty Images

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Kabul trong lúc có những lo ngại về an ninh. Tờ The Wall Street Journal cho biết, ông chủ Lầu Năm Góc hiện diện ở Afghanistan trong lúc hơn 3.500 binh sĩ Mỹ được bổ sung cho lực lượng liên quân ở đây nhằm chuẩn bị chiến dịch chống lại các tay súng Taliban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên, trong chuyến thăm thứ ba đến Afghanistan với tư cách là Bộ trưởng Mỹ, ông Mattis chỉ đơn thuần tập trung vào vấn đề hòa bình và hòa giải khi chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani thời gian gần đây đã mời Taliban cùng thảo luận về một thỏa thuận chính trị. Ông Ghani đã khẳng định nếu Taliban ngồi vào bàn đàm phán, chính phủ sẽ cho phép họ mở một văn phòng ở nước này, thậm chí ở thủ đô Kabul nếu họ muốn.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Mattis bày tỏ tin tưởng về một chiến thắng ở Afghanistan nhưng không nhất thiết phải trên chiến trường mà đó chính là thỏa thuận hòa giải giữa Taliban với chính phủ quốc gia Nam Á này. “Chúng tôi tìm kiếm chiến thắng ở Afghanistan, nhưng không phải là chiến thắng quân sự, chiến thắng ở đây là hòa giải chính trị”, ông Mattis nói.

Từ lâu ông Mattis ủng hộ việc dùng hành động quân sự hiệu quả để buộc các tay súng Taliban ngồi vào bàn đàm nghị sự. Ông cũng cho rằng, không quá sớm để nói chuyện hòa bình, ngay cả khi Taliban vẫn tiến hành các vụ đánh bom ở Afghanistan. “Tất cả các cuộc chiến tranh sẽ đến hồi kết”, ông Mattis nói. Vị quan chức này - một tướng Hải quân nghỉ hưu - từng chỉ huy lực lượng Mỹ tại miền nam Afghanistan trong những tuần đầu của cuộc chiến tranh năm 2001. Giờ đây, ông cho rằng, ông mô tả bước tiếp cận trong việc đưa Taliban vào bàn đàm phán là nỗ lực nhằm bắt đầu đánh vào tâm lý của lực lượng quá mệt mỏi sau hơn 16 năm chiến tranh. Ông nhắc đi nhắc lại về chiến thắng ở Afghanistan phải là một thỏa thuận chính trị giữa Taliban và chính phủ, đồng thời quân đội nước sở tại phải bảo đảm được an ninh ở nước mình. Ông cho rằng, Afghanistan không phải là “thiên đường cho những cuộc tấn công quốc tế” giống như Al-Qaeda dùng lãnh thổ nước này để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ ngày 11-9-2001.  

Trong khi đó, Taliban vẫn chưa đáp lại lời kêu gọi hòa bình của Kabul. Tuần trước, Taliban cáo buộc chính phủ Afghanistan là “bất hợp pháp” và những nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình thực chất là “lừa dối”.

Quan chức điều hành cấp cao của Afghanistan, ông Abdullah Abdullah, nói rằng căng thẳng chính trị ở Afghanistan cần phải được giải quyết để đạt được hòa bình lâu dài và những cơ hội hòa bình có thể tăng lên khi có đoàn kết chính trị. Taliban có thể không có mặt tại hội nghị hòa bình về Afghanistan dự kiến diễn ra từ ngày 26 đến 27-3 ở thủ đô Tashkent của Uzbekistan; trong đó, các bên tham gia sẽ kêu gọi đàm phán trực tiếp giữa nhóm phiến quân này và chính phủ.

Chính phủ Afghanistan đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng hòa giải và kiến tạo hòa bình với Taliban. Mỹ cũng ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, quan điểm của Nhà Trắng dường như không nhất quán khi năm ngoái, với một phần Chiến lược Nam Á, Tổng thống Donald Trump ra lệnh gia tăng đánh bom nhằm vào các mục tiêu Taliban. Hơn 3.000 binh sĩ Mỹ cũng đã đến Afghanistan để gia tăng công tác huấn luyện và cố vấn cho quân đội địa phương. Hiện có gần 14.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Afghanistan, tăng từ con số 8.500 binh sĩ lúc ông Barack Obama rời Nhà Trắng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.