Sóng gió trong quan hệ Nga - Anh

.

Cáo buộc Nga đầu độc điệp viên đang làm mối quan hệ giữa nước này với Anh rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy Nga bác bỏ mọi cáo buộc nhưng phía Anh kiên quyết phản ứng mạnh mẽ nếu có đủ bằng chứng cho thấy Mátxcơva liên quan vụ việc.

Các điều tra viên Anh xem xét hiện trường vụ đầu độc. 			           Ảnh: AP
Các điều tra viên Anh xem xét hiện trường vụ đầu độc. Ảnh: AP

Thời hạn 2 ngày (đến tối 13-3, giờ London) để Nga giải thích rõ về cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và Yulia Skripal - con gái của ông này tại thành phố Salisbury, phía nam nước Anh đã hết.

Hãng Sky News ngày 14-3 dẫn lời Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố trước Hạ viện, sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga bởi “chính phủ Nga phải chịu trách nhiệm cho vụ ám sát ông Sergei Skripal và con gái cũng như đe dọa tới mạng sống những công dân Anh khác tại Salisbury”.

Theo đó, 23 nhân viên ngoại giao Nga, những người mà London xác định là các nhân viên tình báo, có 1 tuần để rời nước Anh. Đây là vụ trục xuất lớn nhất trong 30 năm qua mà chính phủ Anh thực hiện.

Nga khăng khăng không phản hồi “tối hậu thư” của bà May cho đến khi nào tiếp nhận các mẫu được cho là độc dược nguy hiểm Novichok - chất độc thần kinh có từ thời Liên Xô vào những năm 1970 và 1980.

Điều này càng thách thức Anh đưa ra các biện pháp trừng phạt Mátxcơva. Phát biểu với báo giới ngày 14-3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: Mátxcơva không liên quan những gì đã xảy ra ở Anh, nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ cáo buộc vô căn cứ nào và cũng sẽ không chấp nhận bất kỳ ngôn ngữ tối hậu thư nào.

Theo ông Peskov, Nga vẫn hợp tác với Anh điều tra vụ việc, nhưng đổ lỗi cho giới chức xứ sở sương mù không chịu chia sẻ thông tin. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ sự đáng tiếc khi Anh cáo buộc nước ông trong vụ tấn công. “Chỉ có sự đáng tiếc, chúng tôi không thấy bất kỳ tiến triển nào”, ông Lavrov nói.

Điều đáng nói, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều lên tiếng ủng hộ Anh sau khi Thủ tướng May nói rằng, “rất có thể” Nga đứng sau vụ đầu độc. Bà May cho rằng, hoặc Nga đã đầu độc ông Skripal, hoặc không kiểm soát được vũ khí hóa học.

Anh đã kêu gọi một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Nga cũng là thành viên. EU cũng sẽ nhóm họp thượng đỉnh vào tuần tới và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng, ông sẵn sàng đặt vụ việc lên bàn nghị sự.

Theo Reuters, Anh có thể kêu gọi các đồng minh có phản ứng phối hợp, “đóng băng” tài sản của các lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức Nga, hạn chế cho họ tiếp cận Trung tâm tài chính London, trục xuất các nhà ngoại giao, thậm chí tiến hành các vụ tấn công mạng. Ngoài ra, chính phủ Anh dự kiến bàn thảo với Mỹ và các đồng minh châu Âu về việc tẩy chay World Cup 2018 do Nga đăng cai vào tháng 6 và 7 tới.

Mỹ cũng gây sức ép, yêu cầu Nga “phải trả lời rõ ràng rằng vũ khí hóa học này (chất độc Novichok) đã được phát triển như thế nào tại Nga và sử dụng tại Anh ra sao”.

Ông Skripal (66 tuổi) cùng con gái Yulia (33 tuổi) được phát hiện bất tỉnh trên ghế băng bên ngoài một trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury ngày 4-3. Cả hai được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

Đại tá Skripal là sĩ quan tình báo quân sự Nga về hưu. Ông bị Cơ quan tình báo Liên bang Nga bắt giữ vào năm 2004 với cáo buộc tiết lộ thông tin mật cho tình báo Anh. Nga kết tội Skripal đã gửi thông tin nhận dạng của các điệp viên Nga hoạt động ngầm ở châu Âu cho Cơ quan Tình báo mật (MI6) của Anh. Sau phiên xét xử bí mật vào năm 2006, Skripal bị kết án 13 năm tù giam. Theo một số nguồn tin, ông Skripal vẫn tiếp tục hỗ trợ MI6 kể từ sau khi được Anh cho tị nạn.

Quan hệ giữa Nga và Anh đang rạn nứt nghiêm trọng. Nhiều khả năng Nga sẽ có biện pháp trả đũa trong những ngày tới.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.