Các nhà chức trách Lào yêu cầu giám sát tất cả cơ sở thủy điện, đồng thời điều tra nguyên nhân vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu.
Chính phủ Lào huy động mọi nguồn lực, kêu gọi sự viện trợ từ nhiều nơi để cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân vùng rốn lũ. Ảnh: MSN |
Chiến dịch tìm kiếm người sống sót bước sang ngày thứ ba với sự tham gia của nhiều nước trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc… Hãng AP cho biết, đến ngày 26-7, các nhà chức trách xác định ít nhất 27 người chết và 131 người khác mất tích. Song, người đứng đầu huyện Sanamxay, Bounhome Phommasane nói rằng chỉ có 1 thi thể được tìm thấy. Hiện chưa có đánh giá về quy mô thảm họa, do khó tiếp cận khu vực gặp nạn và cũng do nhiều thông tin khác nhau được đưa ra.
Nước lũ đang rút dần. Người dân tại các bản thu dọn đồ đạc ngập trong bùn đất. Hàng ngàn người mắc kẹt trên các mái nhà và cây cối đã được cứu. Theo ông Ounla Sayyasith, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu, vụ vỡ đập làm 13 bản của huyện Sanamxay chìm trong nước, trong đó có 6 bản bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 919 hộ và 3.780 người dân.
Chính phủ Lào tập trung huy động mọi nguồn lực, kêu gọi sự viện trợ từ nhiều nơi để cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nước uống cho các nạn nhân vùng rốn lũ. Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế, chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức khác cấp phát nước sạch, thực phẩm và những viện trợ khác cho những người bị mất nhà cửa. Tuy nhiên, công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn, bởi đường sá bị phá hủy hoàn toàn và người dân vẫn thiếu thực phẩm, thuốc men…
Trong khi đó, nước lũ tại một số khu vực ở Campuchia cao đến 11,5m khiến gần 1.300 hộ gia đình với 5.619 người được sơ tán khỏi 4 cộng đồng Campuchia được huy động để triển khai hoạt động sơ tán.
Báo Vientiane Times ngày 26-7 cho biết, Bộ Năng lượng và mỏ Lào yêu cầu giám sát mực nước trong các hồ chứa cũng như tình hình tại các đập. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith mô tả đây là thảm họa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua ở quốc gia Đông Nam Á này, với hơn 6.000 người bị mất nhà cửa. Thủ tướng Thongloun khẳng định, các nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân vỡ đập, có phải do mưa lớn kéo dài hay do các tiêu chuẩn xây dựng không bảo đảm. Bộ Năng lượng và mỏ Lào cho rằng, mực nước dâng cao do mưa lớn có thể không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến vụ vỡ con đập đã được hoàn thành đến 90%. Công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, một trong 4 đơn vị tham gia xây dựng đập Xepian-Xe Nam Noy, khẳng định đơn vị này đang tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. Trong khi đó, theo Công ty CP Điện Ratchaburi (Thái Lan), cũng là một trong những nhà đầu tư dự án, nguyên nhân do mưa lớn khiến mực nước dâng cao.
Trả lời phỏng vấn báo Korea Times, Đại sứ Lào tại Hàn Quốc Khamsouay Keodalavo cho hay, đất ở khu vực xây đập đã bị sạt lở do 2 tháng mưa liên tục. Ông nhấn mạnh, sự cố vỡ đập không do lỗi của con người và nên được nhìn nhận như một thảm họa tự nhiên. “Chúng tôi không muốn phạt SK (Công ty SK Engineering & Construction), hay bất kỳ công ty nào trong 4 công ty liên doanh chịu trách nhiệm xây đập)”, Đại sứ Khamsouay nói.
Tổ chức phi chính phủ International Rivers có trụ sở tại Mỹ cho biết, qua sự cố lần này, cần thiết phải giám sát chặt chẽ hơn nữa quá trình xây dựng đập ở Lào. “Sự cố đặt ra nhiều câu hỏi về tiêu chuẩn và an toàn của đập tại Lào, bao gồm khả năng ứng phó với các điều kiện và nguy cơ về thời tiết”, đại diện của International Rivers nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Năng lượng và mỏ Lào, nước này hiện có 51 đập thủy điện hoạt động với tổng công suất hơn 6.900 MW. Có 46 dự án đập khác đang trong quá trình xây dựng với tổng công suất dự kiến 6.083 MW và khoảng 112 dự án đập ở giai đoạn phát triển dự án với tổng công suất 8.612 MW. Ngoài ra, chính phủ Lào còn lên kế hoạch xây thêm 54 đường dây tải điện và 16 trạm biến áp đến năm 2020 để phục vụ hoạt động của hơn 100 nhà máy thủy điện.
Việt Nam hỗ trợ Lào 200.000 USD Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định hỗ trợ 200.000 USD cho Chính phủ nước CHDCND Lào từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để khắc phục khẩn cấp hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hình thức hỗ trợ phía Lào tại hiện trường sự cố vỡ đập thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-7. TTXVN |
BÌNH YÊN