Ngày 13-8 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump phê chuẩn đạo luật Cấp thẩm quyền quốc phòng quốc gia (NDAA) tài khóa 2019 với tổng trị giá 716 tỷ USD vốn được ông ca ngợi là “một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất đối với quân đội thời hiện đại”. Theo đó, Mỹ dành 616,9 tỷ USD cho ngân sách của Lầu Năm Góc, 69 tỷ USD cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài và 21,9 tỷ USD cho các chương trình vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký đạo luật Cấp thẩm quyền quốc phòng quốc gia (NDAA). Ảnh: Reuters |
Đáng chú ý, NDAA cho phép ủy quyền chi tiêu quân đội, nới lỏng kiểm soát các hợp đồng của chính phủ với 2 tập đoàn ZTE Corp và Huawei Technologies của Trung Quốc. Các nhà lập pháp Mỹ muốn dùng NDAA mới để tái áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với ZTE vì công ty này đã vận chuyển trái phép sản phẩm đến Iran và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, trong NDAA mới, Mỹ lại “nhẹ tay” hơn so với các bản dự luật đề xuất trước đó.
Song, NDAA tăng cường quyền lực của Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS) trong việc xét duyệt những khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất, xác định chúng có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không và biện pháp này được cho là nhằm vào Trung Quốc. NDAA cũng xem “cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc” là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.
Ngày 14-8, Trung Quốc lên án NDAA trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang với cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hãng Reuters dẫn thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh không hài lòng với “những nội dung tiêu cực” liên quan đến cường quốc châu Á này, đồng thời cho biết sẽ đánh giá tổng thể nội dung các điều khoản về CFIUS trong đạo luật nói trên, đặc biệt chú ý đến tác động đối với các công ty của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng yêu cầu Washington đối xử với các nhà đầu tư Trung Quốc “khách quan và công bằng”, tránh để CFIUS trở thành rào cản cho hợp tác đầu tư giữa các công ty hai nước.
THƯ LÊ