Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Khủng hoảng ngoại giao hay chiến tranh kinh tế?

.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang xuống đến mức thấp nhất. Điều đáng nói là Ankara đang rơi vào khủng hoảng tiền tệ do những biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có của Washington.

Tháng 5-2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) thăm Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Donald Trump để hàn gắn rạn nứt trong quan hệ đồng minh. Ảnh: Tân Hoa xã
Tháng 5-2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) thăm Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Donald Trump để hàn gắn rạn nứt trong quan hệ đồng minh. Ảnh: Tân Hoa xã

Dù bác bỏ thông tin cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào khủng hoảng tiền tệ nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan không thể phủ nhận đồng lira chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD và ông đang phải xoay xở để phục hồi nền kinh tế.

Ông Erdogan dự kiến cho sử dụng đồng lira thay USD trong giao dịch thương mại với các đối tác thương mại chủ chốt của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Nga, Trung Quốc, Iran, Ukraine... “Nếu họ có đồng đô-la, chúng ta có người dân và Thánh Allah”, Tổng thống Erdogan nói.

Phát biểu tại thành phố Istanbul ngày 11-8, ông Erdogan cho rằng, những người âm mưu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016 nay đang tìm cách nhằm vào đất nước này thông qua kinh tế và cam kết sẽ đáp trả.

“Nếu ai có đồng USD, euro hoặc vàng dưới gối của mình, hãy đổi nó để lấy đồng lira tại các ngân hàng của chúng ta. Đây là một trận chiến vì dân tộc và là câu trả lời của chúng ta gửi đến bất kỳ ai đang phát động chiến tranh kinh tế chống lại Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan nhấn mạnh.

Phản ứng cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm leo thang căng thẳng giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng có lẽ là “cứu cánh” phần nào cho Ankara sau khi đồng lira đã mất 20% giá trị so với đồng USD kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép tăng gấp đôi thuế nhôm, thép nhập khẩu, tức áp thuế 50% đối với thép và 20% đối với nhôm từ Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đầu năm đến nay, đồng lira đã mất 40% giá trị so với đồng USD.

Khủng hoảng mới nhất giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ việc linh mục người Mỹ Andrew Brunson bị Ankara bắt giữ do nghi ngờ liên quan một nhóm khủng bố. Mỹ cũng trừng phạt Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu, đồng thời tạo sức ép để Ankara thả linh mục Brunson.

Song, việc gây áp lực chẳng qua chỉ là giọt nước tràn ly, bởi mâu thuẫn trước đó giữa hai nước đã không được giải quyết rốt ráo (mâu thuẫn sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016, hay các mâu thuẫn trong vấn đề người Kurd tại Syria…). Theo Reuters, hai chính phủ còn tranh cãi về hàng loạt vấn đề, từ lợi ích ở Syria đến tham vọng của Ankara trong việc mua các hệ thống quốc phòng của Nga… 

Tổng thống Trump cũng thừa nhận quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ “không tốt đẹp vào thời điểm này”. Thậm chí, ông sẵn sàng từ bỏ đồng minh chiến lược Thổ. Còn Tổng thống Erdogan không chịu nhượng bộ khi tuyên bố có thể tìm những người bạn và đồng minh mới thay thế Mỹ. Nhật báo Sabah thân chính phủ Ankara cho rằng, “cuộc tấn công tiền tệ” không khác gì âm mưu đảo chính hồi tháng 7-2016.

Là thị trường mới nổi quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ giáp biên giới Iran, Iraq, Syria và thân với phương Tây trong nhiều thập niên qua. Rủi ro biến động về tài chính của Thổ sẽ dễ dẫn đến mất ổn định khu vực.

Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ còn là “đại bản doanh” của căn cứ quân sự Mỹ tại Incirlik, vốn đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo ở Trung Đông.

Quốc gia nằm tại Tây Á và Đông Nam Âu này còn là một phần then chốt trong hệ thống phòng vệ tên lửa của liên minh phương Tây chống lại Iran. Bởi vậy, lợi ích chiến lược của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, như người phát ngôn Ibrahim Kalin của Tổng thống Erdogan phát biểu với nhật báo Sabah rằng, Washington có nguy cơ mất đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, Ankara có thể xích lại gần Nga. Ông Erdogan đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại; đồng thời đề cập sự thành công của các dự án chiến lược chung giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

"Nếu ai có đồng USD, euro hoặc vàng dưới gối của mình, hãy đổi nó để lấy đồng lira tại các ngân hàng của chúng ta. Đây là một trận chiến vì dân tộc và là câu trả lời của chúng ta gửi đến bất kỳ ai đang phát động chiến tranh kinh tế chống lại Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.