Nhân đạo bị động cơ chính trị chi phối

Chiến tranh kéo dài hơn 7 năm qua đã biến Syria thành đống hoang tàn, đổ nát. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), xung đột và chiến tranh đã phá hủy hơn 20% số nhà ở, trên 470.000 người thiệt mạng và hơn một nửa dân số trở thành những người tị nạn.

Hàng ngàn cơ sở công nghiệp đã bị phá hủy. Công cuộc tái thiết đất nước Syria cần khoảng 200 tỷ - 400 tỷ USD và kéo dài ít nhất 15 năm. Ước tính có tới 69% người Syria sống trong tình trạng nghèo cùng cực, hơn 13 triệu người cần trợ giúp nhân đạo và 6,5 triệu người bị đói lương thực hằng ngày.

Cuộc chiến đang bước vào giai đoạn cuối, quân đội chính phủ Syria do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu với sự trợ giúp của Nga đã đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và lực lượng nổi dậy, giành quyền kiểm soát nhiều vùng rộng lớn. Đến nay, hàng ngàn người Syria đã trở về quê hương. Riêng trong tháng 7, có tới 7.000 người Syria ở Lebanon trở về nơi cư trú.

Tuy nhiên, việc tái thiết đất nước, đưa người tị nạn Syria trở về quê hương vấp phải những toan tính chính trị gây cản trở. Đó là sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế và các chính sách bao vây cấm vận trước đây.

Kể từ năm 2011, Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các quan chức và thực thể Syria. Lệnh cấm vận bao gồm: cấm xuất khẩu dầu mỏ, hạn chế đầu tư, “đóng băng” tài sản, cấm bán thiết bị và công nghệ cho Syria vốn có thể được sử dụng cho việc đàn áp trong nước (?!)…

Ngày 15-8, phát biểu trong cuộc họp của Trung tâm điều phối liên ngành về sự hồi hương của người tị nạn Syria, Bộ trưởng Chính quyền địa phương và Môi trường Syria Hussein Makhlouf cho rằng, các lệnh cấm vận của Mỹ và các đồng minh phương Tây đã làm hạn chế sự phát triển kinh tế, cản trở sự phục hồi nhanh chóng của hệ thống cơ sở hạ tầng Syria. Theo ông Makhlouf, dỡ bỏ các lệnh cấm vận trên sẽ có tác động tích cực tới sự hồi hương của những người dân Syria.

Ở một khía cạnh khác không kém phần quan trọng, đó là sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Một kế hoạch tái thiết Syria thời kỳ hậu chiến cần rất nhiều vốn và đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế chứ không riêng Nga hay Iran, Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp vào việc tái thiết Syria và hy vọng Liên Hợp Quốc (LHQ), các tổ chức quốc tế khác, đóng góp không chỉ bằng lời, mà bằng hành động cụ thể.

Thế nhưng, thay vì trợ giúp, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ mới đây, Pháp khẳng định sẽ tham gia xây dựng lại Syria trừ khi một quá trình chuyển đổi chính trị được thực hiện hiệu quả, với các quy trình hiến pháp mới và bầu cử đáng tin cậy. Ông nói thêm, nếu không có “bước đột phá” trong quá trình chính trị, tình hình nhân đạo sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để. Mỹ cũng tuyên bố sẽ không hỗ trợ các nỗ lực tái thiết quốc tế ở Syria cho đến khi có sự chuyển đổi chính trị chính thức theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ thông qua tại Geneva (Thụy Sĩ). Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cắt khoản tiền 230 triệu USD mỗi năm để hỗ trợ Syria phát triển.

Điều đáng quan ngại khác là vai trò của LHQ đã bị chi phối. Ngày 20-8, phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Lebanon Gebran Bassil đang ở thăm Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Ban Thư ký LHQ đã bí mật cấm các cơ quan tham gia bất kỳ dự án nào nhằm khôi phục nền kinh tế Syria cho đến khi việc chuyển đổi chính trị được thực hiện tại quốc gia Trung Đông này”. Ông Lavrov đã hỏi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres rằng, tại sao những vấn đề như thế lại trở thành đối tượng của một chỉ thị bí mật trong nội bộ Ban Thư ký; tại sao Hội đồng Bảo an LHQ - cơ quan trực tiếp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria - không được thông báo; tại sao một quyết định như thế không được thông qua mà không có sự phân tích tình hình trên thực địa công khai và khách quan.

Các nhà quan sát cho rằng, Mỹ và các đồng minh muốn đẩy vấn đề sau cuộc chiến cho chính phủ Tổng thống Assad và Nga giải quyết. Còn nếu Nga muốn họ tham gia tái thiết thì phải kèm theo các điều kiện chính trị, cho dù “thảm họa nhân đạo” đang đe dọa đối với người dân Syria như thế nào vẫn không quan trọng đối với họ.

Thế mới hay, “nhân đạo” đã bị các động cơ chính trị do Mỹ và các đồng minh chi phối như thế nào trên chính trường thế giới hiện nay!

TUYẾT MINH 

;
.
.
.
.
.
.