Tối 24-8, Bộ trưởng Ngân khố, kiêm quyền Bộ trưởng Nội vụ Úc Scott Morrison tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 30 của quốc gia này.
Tân Thủ tướng Úc Scott Morrison (bìa phải) và Phó Chủ tịch đảng Tự do Josh Frydenberg (giữa) chúc mừng nhau sau cuộc bỏ phiếu. Ảnh: AFP |
Ông Scott Morrison trở thành Thủ tướng mới của Úc sau khi đảng Tự do nhóm họp và tiến hành bỏ phiếu để bầu lãnh đạo đảng vào ngày 24-8, theo sự triệu tập của Thủ tướng Malcolm Turnbull nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị. Tại cuộc họp, ông Turnbull đã từ chức sau 3 năm làm Thủ tướng, mở đường để các nghị sĩ bầu chọn giữa 3 ứng cử viên, bao gồm: cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton, Bộ trưởng Scott Morrison và Ngoại trưởng Julie Bishop. Qua 2 lần bỏ phiếu, ông Morrison giành chiến thắng, bất chấp những dự đoán trước đó đều cho rằng ông Dutton có thể sớm thay vị trí lãnh đạo đảng Tự do cũng như vị trí Thủ tướng của ông Turnbull. Phó Chủ tịch đảng Tự do vừa được bầu là ông Josh Frydenberg.
Chiến thắng của ông Morrison chấm dứt cuộc khủng hoảng lãnh đạo trong đảng Tự do cầm quyền kéo dài gần một tuần nay với việc 13 bộ trưởng lần lượt từ chức. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton cũng cam kết “trung thành tuyệt đối” với tân Thủ tướng, trong khi cựu Thủ tướng Turnbull nói rằng sẽ sớm rời Quốc hội. Ông Morrison dự kiến trao đổi với Ngoại trưởng Julie Bishop về vị trí mà bà muốn đảm nhiệm trong chính phủ nhưng chưa có bình luận từ phía nhà ngoại giao này.
Hãng AP cho biết, ông Morrison (50 tuổi) được sinh ra tại quận ngoại ô vùng biển phía nam Sydney. Khi trở thành Bộ trưởng Ngân khố vào năm 2015, ông đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách bằng cách cắt giảm chi tiêu của chính phủ, thúc đẩy tăng thu nhập của người dân thay vì tăng thuế. Giờ đây, ông mô tả mình là thế hệ lãnh đạo mới của đảng Tự do, cam kết tạo ra một chính phủ ổn định và đoàn kết. “Công việc của chính phủ vẫn tiếp tục. Tôi muốn bảo đảm với tất cả người dân Úc rằng, những bánh xe bình thường vẫn đang quay”, ông Morrison nói, đồng thời bác bỏ kế hoạch bầu cử sớm.
Tân Thủ tướng Úc cho hay, bên cạnh việc bảo đảm phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, nhiệm vụ trước mắt của chính phủ là tập trung hỗ trợ nông dân đang phải đối mặt với đợt hạn hán kỷ lục. “Đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu mà chúng ta đang phải đối mặt”, ông Morrison nhấn mạnh.
Chuyên gia chính trị Rob Manwaring (Đại học Flinders, Úc) cho rằng, ông Morrison có thể tiếp tục chương trình kinh tế của người tiền nhiệm Turnbull. Trong chương trình này, ông Morrison từng là một trong những “kiến trúc sư trưởng” với vai trò Bộ trưởng Ngân khố. Song, ông có thể thay đổi chính sách về môi trường và năng lượng nhằm tháo gỡ những bất đồng trong đảng cầm quyền xung quanh những cam kết giảm khí thải…
Đảng cầm quyền và chính phủ Úc rơi vào sự chia rẽ nghiêm trọng trong nhiều tuần qua. Phe cánh hữu luôn hoài nghi và tỏ thái độ đối đầu với ông Turnbull vì phản đối một số chính sách của nhà lãnh đạo này. Với việc ông Turnbull mất chức Thủ tướng, giới quan sát gọi đây là cuộc “đảo chính nội bộ” đảng Tự do. Chính ông Turnbull cũng từng trở thành Thủ tướng sau cuộc “đảo chính nội bộ” vào năm 2015, lật đổ người tiền nhiệm Tony Abbott.
Vấn đề đặt ra là “nội chiến chính trị” với cuộc tranh giành quyền lực đã gây sốc cho ngành thương mại và ngành công nghiệp Úc, vốn muốn hoàn tất việc cải cách chính sách về thuế và năng lượng. Nhiều người dân Úc cũng không hiểu vì sao khủng hoảng chính trị lại có thể xảy ra, niềm tin của họ vào chính phủ giảm sút rất nhiều. Song, thực tế, bất ổn vừa qua là một chương mới nhất trong lịch sử một thập niên hỗn loạn của nền chính trị Úc. Kể từ khi Thủ tướng John Howard thất bại trong cuộc bầu cử năm 2007, không có nhà lãnh đạo nào của Úc hoàn thành trọn vẹn một nhiệm kỳ. Vì vậy, giới quan sát cũng hoài nghi liệu ông Morrision sẽ làm Thủ tướng trong bao lâu.
PHÚC NGUYÊN