Venezuela rối ren khi phát hành tiền mới

.

Các cửa hàng đóng cửa, đường phố quạnh hiu, nỗi hoang mang bao trùm vì việc thay đổi giá cả nhu yếu phẩm. Đó là tình hình của Venezuela sau một ngày Tổng thống Nicolas Maduro công bố các biện pháp cải cách kinh tế và đưa vào sử dụng các đồng tiền mới.

Đồng bolívar chủ quyền của Venezuela. Ảnh: Reuters
Đồng bolívar chủ quyền của Venezuela. Ảnh: Reuters

Các biện pháp cải cách kinh tế nhằm ngăn chặn đà lạm phát đang “phi mã” bao gồm: tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), cắt giảm các hình thức trợ giá nhiên liệu, nâng giá xăng với một số khách hàng không đăng ký với chính quyền, xóa 5 số 0 trên đồng nội tệ Bolivar và đổi tên thành đồng “bolívar chủ quyền” (sovereign bolívar). Nhiều người dân ở thủ đô Caracas cho biết, ngày 21-8, họ chỉ được phép rút tối đa 10 bolívar chủ quyền từ các máy rút tiền, trong khi một tách cà-phê theo tiền mới có giá 25 bolívar chủ quyền.

Việc đổi tiền từ đầu tuần khiến nhiều người mua và người bán hàng bối rối. Ngày 20-8, ngày triển khai kế hoạch kinh tế mới của chính phủ, đường phố Venezuela vắng lặng, hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa khi ông Maduro ra sắc lệnh về kỳ nghỉ toàn quốc. Đến ngày 21-8, hầu hết các cửa hàng vẫn đóng cửa vì những người chủ đang cố gắng thiết lập lại các bảng giá hàng hóa quy đổi theo mệnh giá tiền mới. Bản thân người dân cũng đang chật vật làm quen với cách thức chuyển đổi này.

Với kế hoạch kinh tế mới, mức lương tối thiểu sẽ tăng hơn 3.000%, gấp 34 lần so với mức cũ, kể từ ngày 1-9. Điều này khiến nhiều chủ doanh nghiệp không có khả năng chi trả. Nhiều người lao động cũng lo lắng. Việc tăng lương “kinh hoàng” có thể làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và người Venezuela càng ùn ùn kéo sang các nước láng giềng ở Nam Mỹ.

Ngay cả thị trường chợ đen của Venezuela mua bán bằng USD cũng đang tạm tê liệu vì sự kiện đổi tiền. Tổng thống Maduro nói rằng, đồng bolívar chủ quyền có liên quan mật thiết với petro - loại tiền điện tử của Venezuela được định giá theo giá dầu mỏ (1 petro tương đương với 60 USD). Tuy nhiên, phía Mỹ phát thông báo cấm công dân của họ giao dịch đồng petro. Thậm chí, một sàn giao dịch tiền điện tử là ICOindex.com còn cho rằng, đồng petro là đồng tiền lừa đảo.

Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) cũng chính thức công bố tỷ giá hối đoái đã hợp nhất của đồng bolívar chủ quyền với USD và euro. Theo đó, tỷ giá đồng USD trên hệ thống giao dịch ngoại tệ (Dicom) là 60 bolívar chủ quyền/USD và 68,65 bolívar chủ quyền/euro.

Theo nhà kinh tế học Venezuela Henkel García, đến nay, gói cải cách kinh tế của Tổng thống Maduro đang gây nhiều thắc mắc, ngờ vực. “Người dân rất lo lắng. Hầu hết các doanh nghiệp không mở cửa không chỉ vì đình công, mà họ còn chờ thêm thông tin để xem liệu có tiếp tục duy trì hoạt động hay không”, ông García nói.

Venezuela đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1999, thời điểm ông Hugo Chávez lên nắm quyền. Tuần trước, tỷ lệ lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này lên tới mức 32.000%. Tổng thống đương nhiệm Maduro cho biết, biện pháp xóa 5 số 0 trên đồng tiền nhằm đối phó với tình trạng lạm phát, nhưng các nhà quan sát nhận định, điều này có thể khiến cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, lạm phát tại Venezuela có thể chạm 1 triệu % trong năm nay, tương đương khủng hoảng tại Đức năm 1923 và Zimbabwe vào cuối những năm 2000.

Động đất 7 độ Richter ở Venezuela
 
Không chỉ “tê liệt” vì tiền mới, ngày 21-8, Venezuela còn hứng chịu một trận động đất mạnh 7 độ Richter ở khu vực ven biển phía bắc nước này. Ảnh hưởng của cơn địa chấn có thể cảm thấy rất rõ ngay tại thủ đô Caracas. Người dân tại nhiều tòa nhà trong thành phố này đã được sơ tán. 
Mặc dù cường độ động đất rất lớn nhưng có lẽ may mắn vì tâm chấn nằm rất sâu nên hiện chưa có thông tin thương vong.

TRẦN ĐẮC LUÂN 

;
.
.
.
.
.
.