Vụ sập cầu làm 39 người chết Ý đối mặt chỉ trích

.

Vụ sập cầu cao tốc Morandi tại thành phố Genoa xảy ra vào ngày 14-8, làm ít nhất 39 người chết, khiến chính phủ Ý đối mặt với nhiều chỉ trích, nhất là sau khi các nhà chức trách quyết định thu hồi giấy phép vận hành đường cao tốc của Công ty Autostrade.

Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm những người sống sót.  						        Ảnh: CNBC
Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm những người sống sót. Ảnh: CNBC

Các nhà đầu tư quốc tế đang theo dõi cách xử trí của chính phủ Ý đối với vụ sập đoạn 200m của cây cầu hơn 50 năm tuổi Morandi vào ngày 14-8 vừa qua. Việc chính phủ thu hồi giấy phép vận hành đường cao tốc của Công ty Autostrade - đơn vị thuộc tập đoàn Atlantia quản lý các đường cao tốc thu phí ở Ý - mà không cần chờ kết luận điều tra khiến các nhà đầu tư không hài lòng.

“Trách nhiệm vẫn phải được ngành tư pháp xác định, nhưng điều đáng nói trong câu chuyện này phản ứng ban đầu của chính phủ sau thảm họa”, nhà kinh tế học Davide Oneglia tại Công ty nghiên cứu TS Lombard nêu quan điểm, đồng thời cho rằng quyết định của chính phủ Ý làm giảm sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào thể chế của quốc gia châu Âu này. “Nếu điều này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư”, ông Oneglia nói.

Cổ phiếu của Atlantia - tập đoàn mẹ của Autostrade - hiện giảm tới 25% giá trị. Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini yêu cầu Autostrade phải chi 570 triệu USD để hỗ trợ các gia đình nạn nhân và chính quyền địa phương khắc phục sự cố.

Phó Thủ tướng Ý Luigi Di Maio cũng tuyên bố, nhà nước có thể đảm nhiệm quản lý các đường cao tốc nếu các công ty được giao quyền không thực hiện đúng chức trách.

Theo các chuyên gia, nhiều yếu tố có khả năng dẫn tới vụ sập cầu Morandi, bao gồm: thời tiết thất thường của thành phố Genoa, lưu lượng giao thông lớn vượt quá tải trọng thiết kế cầu, ô nhiễm không khí có thể đã làm thoái hóa bê-tông bọc dây cáp của cầu…

Tuy nhiên, các đảng chính trị ở Ý đổ lỗi cho các chính phủ tiền nhiệm, Liên minh châu Âu (EU), công ty quản lý đường bộ và thậm chí mafia rút ruột khi xây cầu đã gây ra thảm họa.

Nhiều nhà phân tích chỉ ra, một trong những đối tác trong liên minh chính phủ - đảng Phong trào 5 sao cánh tả đã phớt lờ cảnh báo hồi năm 2013 về nguy cơ sập cầu. Đối tác liên minh khác - đảng Lega cánh hữu quy trách nhiệm cho EU đã không rót đủ kinh phí cho Ý đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ủy ban châu Âu (EC) bác bỏ chỉ trích nói trên và cho rằng đến lúc phải làm sáng tỏ một số điều. Một người phát ngôn của EC cho biết, Brussels đã một vài lần đề nghị Ý đầu tư thêm tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, ông Oneglia cho rằng, sập cầu Morandi chỉ là một trong hàng loạt vụ việc tương tự có thể xảy ra khi hàng chục nghìn cây cầu ở Ý đã vượt quá tuổi thọ, cụ thể là những cây cầu làm từ bê-tông trong những năm 1950, 1960. Tổ chức Kỹ sư dân dụng Ý (CNR) nói rằng, chi phí bảo dưỡng nhằm duy trì hoạt động của những cây cầu cũ kỹ đôi khi vượt quá chi phí phá hủy và xây dựng những cầu mới.

Ngày 17-8, lực lượng cứu hộ đã đào trong đống đổ nát để tìm những người sống sót. Mặc dù hy vọng tìm thấy người sống sót vơi dần nhưng các nhân viên cứu hộ khẳng định sẽ không bỏ cuộc. Trong số 39 người thiệt mạng có cả trẻ em và 3 công dân Chile, 4 công dân Pháp.

Trưởng Công tố thành phố Genoa xác định, hiện có khoảng 10-20 người vẫn mất tích. Tang lễ cho các nạn nhân sẽ được tiến hành ở Genoa vào ngày 18-8.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.
.