Kỳ họp cấp cao thường niên Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên hợp quốc (LHQ) năm nay, diễn ra trong các ngày từ 25-9 đến 1-10, sẽ tập trung vào 7 chủ đề vừa truyền thống vừa phi truyền thống, liên quan tới phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, hòa bình và an ninh, quyền con người, những quan ngại về sức khỏe cộng đồng và bình đẳng giới.
Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 trụ sở ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN |
Việc xử lý tốt những chủ đề này có vai trò quyết định thế giới sẽ thúc đẩy được hay lại đảo ngược tiến trình thực thi các mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ đề thứ nhất và cũng là điểm mới của kỳ họp năm nay là các nhà lãnh đạo đặt trọng tâm vào việc trao quyền cho thanh niên. Hiện trên thế giới có 1,8 tỷ người ở độ tuổi từ 10 đến 24, trong đó 90% sống tại các quốc gia kém phát triển. Đây là số lượng dân số trẻ lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn chính trị, thất nghiệp, bị hạn chế không gian tham gia các hoạt động chính trị và dân sự có thể làm cô lập giới trẻ. Do đó, tại kỳ họp lần này, lần đầu tiên trong lịch sử của tổ chức, LHQ sẽ chính thức phát động một chiến lược rộng khắp để tăng cường nỗ lực hành động vì thanh niên trên cả ba trụ cột - hòa bình và an ninh, quyền con người và phát triển bền vững.
Một điểm mới nữa là việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng được đặt ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, với 2 vấn đề y tế chủ chốt là bệnh lao và các căn bệnh không truyền nhiễm. Hiện trên thế giới cứ 10 người thì có 7 người tử vong do các căn bệnh không truyền nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường. Những mối đe dọa mới như tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng một cách báo động. Nếu không có hành động quyết liệt, LHQ ước tính số nạn nhân tử vong do những căn bệnh truyền nhiễm có thể lên tới 10 triệu người vào năm 2050, trong đó bệnh lao là "đao phủ" cướp đi nhiều sinh mạng nhất.
Một hoạt động chưa từng có tiền lệ tại kỳ họp cấp cao thường niên của ĐHĐ, là Tổng Thư ký LHQ sẽ triệu tập Nhóm Hợp tác kỹ thuật số đầu tiên được thành lập để đối phó với những hậu quả ngoài mong muốn của công nghệ và tăng cường sự hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, tổ chức Đối tác toàn cầu vì dữ liệu phát triển bền vững cùng các đối tác khác sẽ phát động những nỗ lực mới để đấu tranh với vấn nạn đói nghèo và giải quyết những thách thức khác. Những sự kiện này dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận do thế giới đang trong thời đại mới của công nghệ phục vụ xã hội. Thông qua đổi mới công nghệ, các quốc gia có thể thúc đẩy không chỉ các mục tiêu phát triển bền vững, mà còn tăng cường được tính minh bạch cho xã hội dân sự, khu vực tư nhân và khu vực công, đồng thời thấu hiểu được những rào cản đối với tiến bộ và xây dựng những tập quán tốt.
Hòa bình và phát triển có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Năm nay, LHQ cùng các quốc gia thành viên sẽ bày tỏ quyết tâm hơn bao giờ hết trong nỗ lực củng cố lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức đa phương này. Đây là một việc làm cấp bách trong bối cảnh các cuộc xung đột đang đảo ngược sự phát triển của thế giới và gây ra những tổn thất vô cùng lớn cả về sinh mạng con người cũng như tàn phá nghiêm trọng hạ tầng cơ sở.
Hiện LHQ đang nỗ lực thiết lập hòa bình và ổn định tại 14 điểm có triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình. Tổng Thư ký LHQ đang tích cực triển khai kế hoạch Hành động vì hòa bình, sáng kiến huy động sự ủng hộ hơn nữa cho các giải pháp chính trị để giải quyết xung đột cũng như dành nhiều nguyên lực hơn cho những lực lượng được trang bị tốt, được đào tạo bài bản và có cơ cấu chặt chẽ. Hội nghị Cấp cao hòa bình Nelson Mandela cũng được tổ chức trong khuôn khổ kỳ họp năm nay.
Tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến thế giới chệch khỏi con đường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Khí hậu khắc nghiệt và diễn biến thất thường - hạn hán kéo dài, các cơn siêu bão, lũ lụt và cháy rừng - đã và đang đe dọa những tiến triển chung của nhân loại. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính trong thập niên tới 10 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói do biến đổi khí hậu. Kỳ họp cấp cao năm nay là dịp để các quốc gia "sốc lại" quyết tâm hành động để bảo vệ khí hậu. Diễn biến đáng chú ý là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cựu Thị trưởng New York và hiện là Đặc phái viên LHQ về các thành phố và biến đổi khí hậu, tỷ phú Michael Bloomberg, và Chủ tịch WB Jim Yong Kim sẽ đồng tổ chức Hội nghị cấp cao một hành tinh.
Bảo vệ người tị nạn và người di cư cũng là chủ đề nổi bật tại kỳ họp trong bối cảnh các cuộc xung đột và tình trạng biến đổi khí hậu khiến số người bị mất nhà cửa trên toàn cầu lên tới mức cao nhất trong lịch sử. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững không có ai bị bỏ lại phía sau.
Tạo dựng những mối quan hệ đối tác mới cũng là vấn đề được nêu bật trong chương trình nghị sự. Tổng Thư ký LHQ sẽ phát động chiến lược huy động tài chính cho Chương trình nghị sự năm 2030, lãnh đạo khu vực tư nhân và các lĩnh vực khác sẽ tham gia những cuộc đối thoại quan trọng xoay quanh chủ đề làm cách nào để có thể giải phóng những nguồn tài chính cho các mục tiêu phát triển bền vững và đánh giá hành động của giới kinh doanh thông qua những sáng kiến như Liên minh chuẩn mực thế giới. Kỳ họp còn là dịp để các nhà lãnh đạo cùng nhau hình thành các mối liên kết, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết những vấn đề chung.
Bước sang thế kỷ 21, thế giới đang chứng kiến những sự “chuyển dịch”, biến động sâu sắc trên nhiều mặt, đặt ra những bài toán mới đối với tất cả các quốc gia. Trong bối cảnh đó, LHQ được người dân trên thế giới đặt nhiều kỳ vọng trong việc thực hiện sứ mệnh của mình. Thế giới ngày càng phức tạp và tùy thuộc lẫn nhau thì chủ nghĩa đa phương và LHQ càng khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu. Chính bởi vậy, trong bài phát biểu khai mạc ĐHĐ LHQ khóa 73, tân Chủ tịch Maria Ferrmanda Espinosa đã đưa ra cam kết rằng tổ chức toàn cầu này sẽ xích lại gần hơn với người dân, đảm bảo những xã hội hòa bình hơn, công bằng hơn và bền vững hơn.
Theo TTXVN