Sau nhiều tháng tạm dừng triển khai, chính phủ Malaysia đã chính thức công bố hủy bỏ các dự án đường ống dẫn dầu, khí đốt do Trung Quốc đầu tư, xây dựng để tránh gia tăng nợ công.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) chào đón Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đến Bắc Kinh tháng 8-2018. Ảnh: Chinadaily |
Quyết định hủy bỏ 3 dự án đường ống dẫn được chính phủ của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đưa ra sau khi đã có quyết định dừng triển khai những dự án này từ tháng 7-2018. Ba dự án đường ống dẫn được ký kết thời ông Najib Razak làm Thủ tướng, bao gồm 2 ống dẫn khí đốt và dầu với chi phí hơn 1 tỷ USD/dự án và một dự án ống dẫn trị giá 795 triệu USD nhằm kết nối bang Malacca với một nhà máy lọc hóa dầu ở bang Johor.
Kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng 5-2018, Thủ tướng Mahathir đã liên tục xem xét, đánh giá lại những dự án hạ tầng được ký kết, triển khai dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Các nỗ lực cắt giảm chi phí lúc này nhằm giải quyết các khoản nợ công của Malaysia đã vượt qua mức 1.000 tỷ ringgit (240 tỷ USD) mà phần nhiều trong đó liên quan tới các khoản tiền đã bị rút ruột trong quỹ đầu tư phát triển nhà nước 1MDB.
Không chỉ dừng các dự án của nhà đầu tư Trung Quốc, tuần qua, Malaysia và Singapore cũng thống nhất tạm hoãn dự án đường sắt cao tốc trị giá nhiều triệu USD giữa hai nước đến tháng 5-2020. Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết, một dự án lớn khác do Trung Quốc rót vốn là tuyến đường sắt kết nối bờ biển phía đông (ECRL), do Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc triển khai, cũng đang được đánh giá lại.
Tuy nhiên, báo Nikkei Asian Review dẫn ý kiến phản hồi của ông Li Qingwei, phụ trách hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc, phát biểu trước báo giới Hong Kong cho rằng: “Về tương lai của ECRL, dự án vẫn đang trong quá trình thương thảo” và bác bỏ thông tin ECRL đã “chết”.
Tháng trước, trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Mahathir cảnh báo về cái gọi là “chủ nghĩa thực dân mới”, đồng thời kêu gọi tự do thương mại cũng phải bảo đảm sự công bằng. Rõ ràng trong bối cảnh hiện tại, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur đang bị thử thách. Không phải chỉ đến khi trở lại nắm quyền, mà từ rất lâu trước đó, Thủ tướng Mahathir từng đặt câu hỏi liệu những dự án với nhà đầu tư Trung Quốc có mang lại lợi ích cho Malaysia không và quốc gia Đông Nam Á này có đủ tiền để triển khai những dự án đó hay không.
Các công ty nhà nước Trung Quốc hiện nỗ lực khôi phục niềm tin của các đối tác liên quan Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) - dự án hạ tầng quy mô lớn với mạng lưới các tuyến đường bộ, đường biển kết nối trên toàn châu Á và khu vực Trung Đông. Những ngờ vực về các dự án BRI tăng cao kể từ khi Sri Lanka chuyển giao cảng biển Hambantota nằm ở vị trí chiến lược cho Trung Quốc với thời hạn thuê 99 năm như cách để thanh toán các khoản vay.
Nhiều quốc gia, trong đó có Malaysia, lo ngại các dự án do Trung Quốc rót vốn sẽ đẩy những nước liên quan BRI vào “bẫy nợ”. Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), từng phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hồi tháng 4 năm nay rằng, mặc dù nhiều quốc gia cần hạ tầng nhưng những sự đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực này cũng có thể dẫn tới tình trạng nợ công tăng cao ở mức nguy hiểm.
Các quốc gia, từ Malaysia cho tới Nepal, Myanmar, trong những tháng qua đã hủy hoặc tạm dừng các dự án BRI mặc dù chính phủ những nước này không công khai phản đối sáng kiến của Trung Quốc. Trước chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 8 vừa qua, ông Mahathir tuyên bố, Malaysia không cần những dự án đó bởi trọng tâm hiện nay của Kuala Lumpur là giảm nợ công. “Nguyên nhân do chúng tôi đang đổ quá nhiều tiền vào những nơi mà chúng tôi không thể trả nợ được và cũng vì chúng tôi không cần những dự án này ở Malaysia trong thời điểm hiện tại”, ông Mahathir nói. Nhưng có lẽ thực tế là “Malaysia chẳng được gì từ dòng đầu tư đó và chúng tôi không chào đón điều này”, như khẳng định của ông Mahathir.
TRẦN ĐẮC LUÂN