Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thề có thể trả lời trước máy phát hiện nói dối rằng, ông không viết bài báo đả kích ông Trump, nhưng có lẽ cũng vô ích.
Chuyện về sự lục đục của Nhà Trắng hay những cơn “sóng ngầm” trong đảng Cộng hòa nhằm cản trở các chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump không còn mới.
Nhưng có lẽ chưa bao giờ có một tiếng nói dõng dạc và đanh thép như bài viết của một quan chức cấp cao giấu tên trong Nhà Trắng đăng trên New York Times ngày 5/9 nhằm “hạ bệ” ông Trump và hiệu triệu sự ủng hộ với “phe kháng chiến” bên trong Nhà Trắng.
Một bài báo đang gieo nghi kị khắp Nhà Trắng. (Ảnh minh họa: Getty Images) |
Bài viết đã khiến ông Trump “nổi giận lôi đình”, gọi tác giả ẩn danh kia là “hèn nhát” và yêu cầu New York Times tiết lộ danh tính của người đó.
“Tôi biết chứ. Tôi là một trong số họ”
“Tôi là một phần của phe kháng cự bên trong chính quyền của ông Trump” – tác giả ẩn danh của bài viết đăng trên mục Góc nhìn (Opinion) của New York Times ngày 5/9 dõng dạc tuyên bố. “Tôi làm việc cho Tổng thống nhưng tôi và những đồng nghiệp có cùng suy nghĩ đã thề sẽ ngăn cản chương trình nghị sự của ông ấy và khuynh hướng tồi tệ nhất của ông”.
Bài viết được minh họa bằng hình ảnh một nhóm người đang cố kéo nước Mỹ khỏi bờ vực.
New York Times khẳng định, họ đã đưa ra quyết định “hiếm có” khi đăng bài viết trên theo yêu cầu của chính tác giả, một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Trump, một người tờ báo danh tiếng này biết rõ danh tính nhưng sẽ không công bố vì công việc của người đó có thể bị hủy hoại.
Theo bài viết này, thách thức lớn chưa từng có với bất cứ Tổng thống nào của nước Mỹ, mà Trump lại đang phải đối mặt, không phải là cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ hay việc đất nước bị chia rẽ vì cách điều hành của ông Trump, thậm chí cũng chẳng phải việc đảng Cộng hòa của ông có thể mất đa số ở Hạ viện, dẫn tới nguy cơ ông bị luận tội.
Vấn đề nan giải mà chính ông Trump không thể nắm bắt được đó là việc nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền của ông muốn cản trở chương trình nghị sự của ông.
“Tôi biết chứ. Tôi là một trong số họ” – tác giả bài viết khẳng định.
Bài viết không chỉ tố cáo ông Trump là thiếu “tính thống nhất” và “không tuân theo bất cứ nguyên tắc đầu tiên nào rõ ràng trong việc đưa ra quyết định” mà còn như lời hiệu triệu sự ủng hộ với “phe kháng cự” trong Nhà Trắng khi nói rằng họ vẫn “muốn chính quyền này thành công” và nghĩ rằng nhiều chính sách của chính quyền này đã khiến nước Mỹ “an toàn và thịnh vượng hơn”.
Tác giả chỉ trích cách hảnh xử của ông Trump “gây tổn hại cho nền cộng hòa” và đi ngược lại những lý tưởng của đảng Cộng hòa về “quan điểm tự do, thị trường tự do và con người tự do” dù ông được bầu với tư cách ứng viên đảng này.
Bài viết cho rằng những thành công của nước Mỹ dưới thời ông Trump đến giờ phút này có được không phải nhờ vào Tổng thống Trump.
Và cuối cùng, bài viết hé lộ về một “Bắc Đẩu Tinh” (lodestar), một ngôi sao dẫn đường cho đảng Cộng hòa giống như cố Thượng nghị sỹ John McCain. Vị “Bắc Đẩu Tinh” này được cho là sẽ “khôi phục danh dự đối với đời sống công luận và đối thoại dân tộc” dù “ông Trump có thể sợ những người đàn ông đầy danh dự như thế” nhưng phe kháng cự trong Nhà Trắng quyết bảo vệ họ.
“Bắc Đầu Tinh” ẩn mình trong Nhà Trắng?
Phó Tổng thống Mike Pence đã khẳng định rằng ông không phải là tác giả của bài viết trên và sẵn sàng trả lời trước máy phát hiện nói dối về vấn đề này. Ông cũng tin tưởng không ai trong các nhân viên của ông làm điều đó.
Nhưng chính “Bắc Đẩu Tinh” đã dẫn đường cho dư luận nghi ngờ tác giả ẩn danh trên là ông Pence.
Bởi từ “lodestar”, nghĩa là ngôi sao dẫn đường hay người truyền cảm hứng, người đóng vai trò là hình mẫu trong xã hội, không được dùng quá phổ biến ở Mỹ.
Nhưng ông Pence dường như lại rất hay sử dụng từ này. Cư dân mạng nhanh chóng tổng hợp được một video những lần ông Pence sử dụng từ “lodestar” trong các bài phát biểu trước công chúng và từ này bỗng trở thành xu hướng trên mạng xã hội Twitter.
“Lodestar dường như là một từ không thường được sử dụng nói chung, chưa kể đến việc dùng trong một bài Góc nhìn chắc chắn sẽ được đọc rộng rãi” – nhà sản xuất âm thanh Dan Bloom nhận định. “Tôi đã tìm kiếm xem John Kelly và James Mattis có từng dùng từ ‘lodestar’ hay chưa và chẳng có gì”.
Ngược với miêu tả của New York Times rằng tác giả ẩn danh có thể mất vị trí trong Nhà Trắng nếu bị lộ, ông Pence là quan chức duy nhất trong Nhà Trắng không thể bị Tổng thống sa thải. Tuy nhiên, Bloom cho rằng miêu tả đó vẫn có thể đúng bởi nếu bị xác định là tác giả bài viết công kích Tổng thống Mỹ thì giấc mơ của ông Pence muốn trở thành người thay thế ông Trump cũng tiêu tan.
Dan Bloom cũng giải thích trong một chia sẻ trên Twitter của ông rằng, việc từ “lodestar” xuất hiện trong cùng một đoạn văn ca ngợi cố Thượng nghị sỹ John McCain dường như “gợi ý” rằng tác giả ẩn danh kia có mối liên hệ với Thượng viện Mỹ. Mà theo Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống đóng vai trò Chủ tịch Thượng viện nhưng không có quyền bỏ phiếu, trừ trường hợp số phiếu cân bằng và cần có lá phiếu quyết định.
Đó có thể chỉ là một thuyết âm mưu.
Chuyên gia phân tích từ trường đại học Drexel, Mỹ, Rachel Greenstadt cho rằng, việc sử dụng từ ‘lodestar’ cho thấy ý đồ nhằm vào Phó Tổng thống Mike Pence.
Business Insider lưu ý rằng, trong những câu chuyện trước đây, người rò rỉ tin từ Nhà Trắng thường sử dụng từ và cụm từ của những người trong chính quyền của ông Trump để khiến vị Tổng thống này phải phỏng đoán.
Phóng viên chính trị Pete Eisner, đồng tác giả cuốn sách “The Shadow President: The Truth About Mike Pence” (tạm dịch là “Tổng thống trong bóng tối: Sự thật về Mike Pence”) cũng cho rằng, Phó Tổng thống Mỹ chẳng có lý do gì mà viết một bài bình luận gây nghi kị khắp Washington như vậy.
“Tổng thống trong bóng tối”?
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có lẽ là một “người đi trên dây” đại tài khi có thể giữ thăng bằng giữa một bên là sự tận tụy vô hạn và không thể phá vỡ đối với Tổng thống Donald Trump, và một bên là sự trong sạch, vô can trước muôn vàn sự cố bủa vây Nhà Trắng.
“Như thường lệ, (Phó Tổng thống Mike) Pence vẫn đang tránh liên quan đến các vấn đề” - phóng viên tờ Washington Post, Bob Woodward viết trong cuốn sách của ông mang tên “Fear: Trump in the White House” (tạm dịch là “Nỗi sợ: Trump tại Nhà Trắng”) đang gây “bão” trong dư luận Mỹ.
Ông Pence cũng gần như “vô hình” trong một cuốn sách khác gây “bão” hồi tháng 1/2018 của Michael Wolff mang tên “Fire and Fury: Inside the Trump White House” (tạm dịch là “Lửa và sự giận dữ: Bên trong Nhà Trắng của ông Trump”).
Theo tác giả cuốn “Tổng thống trong bóng tối: Sự thật về Mike Pence”, nhân vật số 2 của nước Mỹ đã tính toán rằng, sự trung thành mù quáng với Tổng thống là điều tốt nhất cho sự nghiệp chính trị của ông. Phó Tổng thống Mike Pence thường nhìn cấp trên của mình bằng “đôi mắt trìu mền” và luôn “bước đều bước ngay phía sau Tổng thống ở mọi nơi”.
Ông Mike Pence nhìn ông Trump trong buổi tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: AFP). |
Một trong những vai trò chính của ông Pence, điều luôn được đặt ở trung tâm của nhiệm vụ làm một Phó Tổng thống Mỹ, là đóng vai trò đại diện, thay thế cho Tổng thống “vi hành” khắp nơi và nói chuyện với những nhóm ủng hộ trung thành của ông Donald Trump và gửi lời chào đám đông bằng câu nói: “Tôi đến đây cùng với lời thăm hỏi từ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”.
Theo 2 tác giả Pete Eisner và Michael D'Antonio, Mike Pence cũng đã hình thành được lực lượng ủng hộ cho riêng mình trong trường hợp cấp trên của ông bị buộc phải rời khỏi Nhà Trắng khi chưa hết nhiệm kỳ.
Còn đối với ông Trump, chuyện lần này là hồi chuông cảnh báo cực kỳ nghiêm trọng đối với Tổng thống Mỹ. Thứ nhất, nó đã khẳng định rõ hơn bao giờ hết về cái gọi là “phe kháng chiến” trong chính Nhà Trắng đã khiến ông khó chịu lâu nay vì dám rò rỉ tin tức ra ngoài. Thứ hai, “phe kháng chiến” ấy chắc chắn có lãnh đạo, người được đề cập như là “Bắc Đầu Tinh” của họ.
Theo VOV