Thông điệp thiện chí từ Bình Nhưỡng

.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn hoàn tất việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời yêu cầu “các biện pháp thiện chí” phải được đáp lại bằng “các biện pháp thiện chí”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trả lời báo giới tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4.                    Ảnh: Getty Images
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trả lời báo giới tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4. Ảnh: Getty Images

Lần đầu tiên nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra mốc thời gian hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa để chấm dứt mối quan hệ thù địch với Mỹ, đó là trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump - kết thúc vào đầu năm 2021.

Thông tin này được các quan chức Hàn Quốc công bố vào ngày 6-9 sau khi phái đoàn do đặc phái viên Chung Eui-yong, người đứng đầu Văn phòng An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, dẫn đầu từ Bình Nhưỡng trở về nước.

Cần tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên

Hãng Reuters dẫn lời đặc phái viên Chung Eui-yong cho biết, ông Kim Jong-un khẳng định, niềm tin của ông về những nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc tháo gỡ bế tắc hạt nhân vẫn không thay đổi, ngay cả khi nhà lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy thất vọng xung quanh vấn đề phi hạt nhân hóa.

Ông Kim Jong-un cũng nhấn mạnh, Mỹ cần đáp lại những động thái ban đầu của Triều Tiên, trong đó có việc dỡ bỏ một bãi thử hạt nhân và một cơ sở chế tạo động cơ tên lửa, nghĩa là phía Bình Nhưỡng đang chấm dứt các vụ thử hạt nhân và thử tên lửa tầm xa.

“Chủ tịch Kim Jong-un nhiều lần nói rõ rằng, ông quyết tâm thực hiện phi hạt nhân hóa và bày tỏ sự thất vọng về những hoài nghi của cộng đồng quốc tế đối với cam kết của ông”, đặc phái viên Chung Eui-yong nói.

Theo nhà ngoại giao này, ông Kim muốn chứng kiến “các biện pháp thiện chí” của mình được đáp lại bằng “các biện pháp thiện chí”, chẳng hạn Mỹ nên ký tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.

Phái đoàn Hàn Quốc cũng đã chuyển thông điệp từ Tổng thống Trump tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến công cán đến Bình Nhưỡng ngày 5-9 và chuyển thông điệp từ ông Kim đến ông Trump vào tối 6-9. Song, các quan chức không đề cập nội dung cụ thể của các thông điệp.

Hãng AP cho rằng, chưa rõ những thông điệp nói trên có giúp tháo gỡ trước mắt sự bế tắc trong đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên hay không khi hai bên không đạt được bước tiến nào kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào ngày 12-6 ở Singapore.

Hai miền gặp thượng đỉnh

Bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên do không bên nào sẵn sàng thực hiện bất kỳ động thái đáng kể. Washington muốn phi hạt nhân hóa phải diễn ra trước khi tiến tới bất kỳ động thái nào khác nhưng Bình Nhưỡng muốn đạt được thỏa thuận kết thúc chiến tranh trước khi giải trừ hạt nhân.

Điều này làm dấy lên những hoài nghi về tuyên bố của Tổng thống Trump rằng, ông Kim Jong-un sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, mặc dù ông Kim lặp đi lặp lại những cam kết phi hạt nhân hóa, nhưng những bức ảnh vệ tinh chụp thời gian gần đây cho thấy, các cơ sở vũ khí của Triều Tiên vẫn hoạt động nhằm sản xuất các vật liệu phân hạch để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Hãng AFP dẫn lời GS. Lim Eul-chul tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) cho rằng, vẫn có khoảng cách lớn giữa những gì mà CHDCND Triều Tiên xem là các động thái thiện chí với những gì mà Mỹ mong muốn.

Theo đó, giải pháp then chốt để thu hẹp khoảng cách, xây dựng lại niềm tin giữa ông Trump và ông Kim là đối thoại; và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ tìm kiếm những thông điệp hòa giải hơn gửi đến Tổng thống Mỹ thông qua Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều từ ngày 18 đến 20-9 tới.

Cuộc gặp gỡ lần thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên, sau 2 lần gặp tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4 và 26-5, sẽ là dấu hiệu quan trọng cho thấy đàm phán về hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Mỹ có tiếp tục hay không.

Tổng thống Hàn Quốc vẫn muốn duy trì kênh ngoại giao của nước ông để thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đáng lưu ý là hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 sẽ diễn ra trước thềm cuộc gặp của các nhà lãnh đạo thế giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) vào cuối tháng 9 này. Seoul cũng mong muốn Tổng thống Trump sẽ gặp gỡ ông Kim Jong-un tại New York để thu hẹp những bất đồng, mở đường cho một tuyên bố hòa bình.

Ông Moon Chung-in, cố vấn an ninh của Tổng thống Moon Jae-in nhận định, việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên tuy khó nhưng có thể thực hiện chừng nào Bình Nhưỡng và Washington còn duy trì đối thoại, xây dựng lòng tin lẫn nhau.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.