Hồ sơ Triều Tiên trở thành một “vết rạn nứt” với những ý kiến trái chiều của Mỹ, Nga và Trung Quốc trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 27-9.
“Vết rạn” Triều Tiên giữa lòng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Sự chia rẽ trong quan điểm về tương lai của các lệnh trừng phạt Triều Tiên là vấn đề nổi lên trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 27-9. Điều này diễn ra chỉ một vài tuần trước khi các quan chức ngoại giao Mỹ tới Bình Nhưỡng trong nỗ lực hối thúc nhà lãnh đạo Triều Tiên đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 27/9. Ảnh: AFP |
Bộ trưởng Ngoại giao Nga và Trung Quốc đã kêu gọi Hội đồng Bảo an dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Ý kiến này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và làm nổi bật những thách thức mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt trong việc tiếp tục duy trì sức ép lên Bình Nhưỡng.
"Việc thực thi các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải tiếp tục mạnh mẽ và không thể từ bỏ cho đến khi chúng ta thấy tiến trình phi hạt nhân hóa đã được xác minh đầy đủ", ông Pompeo tuyên bố, đồng thời cho biết Mỹ tin rằng các lệnh trừng phạt đối với việc buôn bán nhiên liệu của Triều Tiên đang bị phá vỡ.
Trái ngược với quan điểm của ông Pompeo, khi nói về các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên mà ông Trump thường ca ngợi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Hội đồng Bảo an nên cân nhắc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhằm thúc đẩy Bình Nhưỡng "tiến xa hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa".
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng ủng hộ lời kêu gọi này và khẳng định "bất kỳ cuộc đàm phán nào đều là một con đường hai chiều".
Những rạn nứt này được thể hiện ở trung tâm cuộc tranh cãi giữa Mỹ - nước vốn coi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một trong những đe dọa lớn nhất tới an ninh quốc gia với Trung Quốc và Nga - những quốc gia dù phản đối các chương trình hạt nhân của ông Kim Jong-un nhưng cũng có quyền hạn để dễ dàng làm giảm sức ép của các lệnh trừng phạt với nền kinh tế Triều Tiên. Các nhà ngoại giao Triều Tiên không phát biểu gì trong cuộc họp ở Liên Hợp Quốc.
Trong một vài tuần gần đây, Mỹ tăng cường chỉ trích những điều Nga và Trung Quốc đang làm. Tháng 8/2018, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã cáo buộc Nga vẫn tiếp tục làm ăn với Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ
Phát biểu ngày 27-9, ông Pompeo thể hiện sự giận dữ với các thành viên Hội đồng Bảo an vi phạm các lệnh trừng phạt, đặc biệt trong lĩnh vực vận chuyển dầu. Ông khẳng định 500.000 thùng dầu được xuất khẩu sang Triều Tiên mỗi năm là minh chứng cho sự vi phạm này. Dù không chỉ đích danh quốc gia nào, nhưng rõ ràng đối tượng mà ông Pompeo muốn nhắc tới chính là Trung Quốc và Nga.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ nhận được sự hưởng ứng của các đồng minh của Mỹ trong Hội đồng Bảo an như Anh và Ba Lan. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, nếu không có sự giúp sức của Nga và Trung Quốc thì Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sức ép kinh tế lên chính quyền ông Kim.
Trong quá trình đàm phán với Triều Tiên, ông Pompeo phải "vật lộn" để cân bằng giữa việc tiếp tục duy trì sức ép lên Triều Tiên và thể hiện thái độ tích cực với những tiến triển mà quốc gia này đạt được cho tới nay. Triều Tiên đã tạm dừng các cuộc thử tên lửa và vũ khí hạt nhân, cũng như thể hiện thiện chí dỡ bỏ các bãi thử tên lửa.
Những lời phát biểu của ông Pompeo đã cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ. Ông Pompeo một mặt khẳng định thế giới đã thấy "bình minh của một ngày mới" với Triều Tiên nhưng mặt khác lại kiên quyết với các lệnh trừng phạt lên quốc gia này.
Ngoại trưởng Mỹ cũng phải giải quyết một thách thức nữa. Đó là việc Tổng thống Trump thường xuyên ca ngợi mối quan hệ của ông với ông Kim và khẳng định ông muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên lần thứ 2 "thật sớm".
Để điều này xảy ra, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ có chuyến thăm tới Triều Tiên vào tháng 10 tới nhưng việc vừa làm hài lòng ông Trump, vừa gây sức ép với chính quyền ông Kim vẫn luôn là một sự cân bằng khó khăn.
Trong cuộc họp báo diễn ra bên lề Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc ngày 26/9, ông Trump đã ngắt lời Ngoại trưởng Pompeo về việc Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân vào tháng 1/2021 và khẳng định ông không muốn chơi một "trò chơi thời gian".
Phải chăng đó cũng là thông điệp mà các nhà đàm phán Triều Tiên muốn nhắc nhở ông Pompeo rằng khi nào thì ông nên quay lại Bình Nhưỡng?.
Theo VOV