Diễn biến ly kỳ vụ nhà báo Ả rập nghi bị "phân xác" tại lãnh sự quán

.

Cách đây hai tuần, các đặc vụ Ả rập Xê út đã đứng chờ bên ngoài khi nhà báo Jamal Khashoggi bước vào lãnh sự quán của nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thông tin từ đoạn băng ghi âm do phía Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, ông Khashoggi đã chết chỉ sau vài phút trong tình trạng đầu đứt lìa, cơ thể phân thành từng mảnh và các ngón tay bị những “sát thủ” cắt rời.

Nhà báo Jamal Khashoggi (Ảnh: Reuters)
Nhà báo Jamal Khashoggi (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố những thông tin liên quan tới đoạn băng ghi âm rùng rợn trên vào ngày 17/10 khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến thăm tới Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh sức ép leo thang giữa Ả rập Xê út và Mỹ trong việc tìm kiếm câu trả lời cho sự biến mất bí ẩn của Khashoggi, một nhà báo bất mãn với chính quyền Ả rập Xê út, sống ở Virginia (Mỹ) và làm việc cho báo Washington Post.

Giới chức tình báo Mỹ cho biết họ có bằng chứng cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman của Ả rập Xê út có liên quan tới sự biến mất của nhà báo Khashoggi. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, ông Khashoggi đã vào lãnh sự quán Ả rập Xê út tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để lấy các giấy tờ làm thủ tục đăng ký kết hôn với bạn gái người Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông Khashoggi không được nhìn thấy trở ra.

Các quan chức cấp cao của Ả rập Xê út liên tục phủ nhận có dính líu tới vụ việc của nhà báo Khashoggi và tiếp tục khẳng định sự vô can của họ trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo tới Ả rập Xê út hôm 16/10. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một người bạn của ông Khashoggi, hiện vẫn chưa công khai lên tiếng cáo buộc Ả rập Xê út bắt cóc hay sát hại nhà báo này.

Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua khẳng định lại cáo buộc rằng một nhóm gồm 15 đặc vụ Ả rập Xê út, những người được cho là có quan hệ với Thái tử Mohammed bin Salman, đã chờ sẵn ông Khashoggi ở bên trong lãnh sự quán khi ông này đặt chân tới đây vào khoảng 13h15 chiều 2/10.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tới lãnh sự quán Ả rập Xê út để điều tra vụ việc. (Ảnh: Getty)
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã tới lãnh sự quán Ả rập Xê út để điều tra vụ việc. (Ảnh: Getty)

Theo cáo buộc của một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên nội dung từ đoạn băng ghi âm, sau khi ông Khashoggi được dẫn tới phòng của Tổng lãnh sự Ả rập Xê út Mohammad al-Otaibi, 15 đặc vụ trên đã bắt ông Khashoggi ngay lập tức. Tiếp đó, những đặc vụ này bắt đầu đánh đập và tra tấn nhà báo Ả rập Xê út trước khi cắt đứt các ngón tay của ông này.

Hiện chưa rõ liệu ông Khashoggi đã bị giết trước khi các ngón tay của ông bị cắt đứt và đầu của ông bị chặt rời hay không. Tuy nhiên theo quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng lãnh sự Ả rập Xê út cũng có mặt tại hiện trường khi vụ việc xảy ra và ông này đã phản đối các đặc vụ hành sự tại đó.

“Hãy làm việc này ở bên ngoài. Các ông sẽ gây phiền toái cho tôi đó”, cả quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và báo Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Otaibi nói với các đặc vụ trong đoạn băng ghi âm. Đoạn băng này được cho là do tình báo Thổ Nhĩ Kỳ có được.

“Nếu ông vẫn muốn sống sót khi quay về Ả rập Xê út, hãy giữ im lặng”, một trong số các đặc vụ đáp lại lời tổng lãnh sự.

Nghi vấn từ Thổ Nhĩ Kỳ

Theo cáo buộc từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, Salah al-Tubaigy, một bác sĩ pháp y hàng đầu của Ả rập Xê út, đã được đưa tới lãnh sự quán tại Istanbul để tiến hành mổ xẻ và phân xác nhà báo Khashoggi. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận định đây là bằng chứng cho thấy nhóm đặc vụ Ả rập Xê út đã chuẩn bị từ trước cho kế hoạch sát hại ông Khashoggi.

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng bác sĩ pháp y đã đưa ra một số lời khuyên cho các đặc vụ khi họ tiến hành phân xác thi thể nhà báo Ả rập Xê út. Theo đó, vị bác sĩ đã khuyên nên nghe nhạc trong quá trình xử lý thi thể và bản thân ông này cũng đeo một tai nghe. Bác sĩ này giải thích đây là cách mà ông thường dùng để giảm căng thẳng trong khi làm những công việc giải phẫu thi thể.

Mặc dù các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ mô tả rất chi tiết về nội dung đoạn băng ghi âm hoặc các bằng chứng có liên quan tới vụ nhà báo Ả rập Xê út mất tích tại lãnh sự quán ở Thổ Nhĩ Kỳ, song tất cả đều từ chối tiết lộ bằng cách nào họ có được những đoạn băng ghi âm này. Theo New York Times, chúng có thể được lấy từ thiết bị liên lạc nghe lén hoặc thiết bị theo dõi âm thanh mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không muốn thừa nhận vì sợ rằng có thể bị coi là vi phạm luật quốc tế.

Tổng thống Donald Trump hôm qua đã nói với các phóng viên rằng Mỹ đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp các bản sao của bất kỳ đoạn băng ghi âm hay video bằng chứng nào mà Ankara có “nếu chúng thực sự tồn tại”. Phát biểu này của Tổng thống Trump là tín hiệu cho thấy chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa chia sẻ bằng chứng cho các cơ quan tình báo Mỹ, bất chấp việc cả hai là các đối tác gần gũi. Sự khiên cưỡng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy Ankara có thể đang tìm cách đạt được thỏa hiệp với Ả rập Xê út nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ quan hệ với một cường quốc trong khu vực.

Một cuộc điều tra do New York Times thực hiện và công bố ngày 16/10 cho thấy ít nhất 4 trong số 15 nghi phạm Ả rập Xê út, những người mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận định đóng vai trò trong vụ mất tích hoặc sát hại nhà báo Khashoggi, có liên hệ chặt chẽ với Thái tử Mohammed khi tháp tùng Thái tử với tư cách là thành viên của đội an ninh.

4 trong số 15 người này, bao gồm cả bác sĩ pháp y, đã đáp chuyến bay tới Istanbul đúng vào ngày ông Khashoggi mất tích. New York Times xác nhận ít nhất 9 trong số 15 người làm việc cho chính phủ, quân đội và cơ quan an ninh Ả rập Xê út.

Tại Istanbul, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ đã được cho phép khám xét nơi ở của Tổng lãnh sự Ả rập Xê út hôm qua, tức 15 ngày sau khi nhà báo Khashggi mất tích. Đi cùng với họ là một nhóm người Ả rập Xê út.

Các cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ đủ năng lực và độ tin cậy trong việc thu thập thông tin tình báo trong nước và họ không ngạc nhiên nếu tình báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể lấy được băng ghi âm thu lại đoạn hội thoại tại chính lãnh sự quán Ả rập Xê út.

Vào tối qua, Washington Post đã đăng bài viết cuối cùng của nhà báo Khashoggi trước khi mất tích. Trong bài viết này, ông Khashoggi đã chỉ trích sự kiểm soát của chính phủ đối với truyền thông trong thế giới Ả rập.

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.
.