Việc Nga bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine trên Biển Đen, gần khu vực bán đảo Crimea do cáo buộc các tàu này tìm cách xâm nhập lãnh thổ trái phép, đang đẩy căng thẳng giữa hai nước leo thang.
Một tàu chở hàng lớn của Nga chặn các tàu hải quân của Ukraine tiến vào biển Azov.Ảnh: Reuters |
Ba tàu hải quân Ukraine, gồm 2 tàu pháo và 1 tàu kéo, bị Nga bắt giữ khi đang ở cảng Kerch thuộc bán đảo Crimea bên bờ Biển Đen. Thông báo của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nêu rõ: “3 tàu hải quân Ukraine gồm Berdyansk, Nikopol và Yaniy Kapu đã xâm phạm biên giới Nga lúc 19 giờ ngày 25-11, thực hiện những hành vi bất hợp pháp trong lãnh hải của Liên bang Nga”.
Nga đã điều một tàu chở hàng lớn đậu bên dưới cầu Crimea, chặn lối đi duy nhất vào biển Azov. FSB xác nhận việc bắt giữ 3 tàu nói trên ở vùng lãnh hải của Nga trên Biển Đen, đồng thời cho biết có 3 thủy thủ Ukraine bị thương nhưng không nguy hiểm tính mạng. Moscow cũng nói rằng, các tàu Ukraine đã phớt lờ yêu cầu rời khỏi khu vực, có hành động gây hấn và di chuyển nguy hiểm gần các tàu tuần tra Nga.
Vụ việc khơi mào khủng hoảng mới giữa Nga và Ukraine. Mối quan hệ giữa hai nước này căng thẳng kể từ sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014 và chính phủ Kiev cáo buộc Moscow hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở đông Ukraine.
Ukraine bác bỏ cáo buộc cho rằng các tàu hải quân của nước này có thể làm điều gì sai trái. Trái lại, Kiev “tố” Nga có hành động gây hấn quân sự và thúc giục cộng đồng quốc tế có biện pháp trừng phạt Moscow.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngay lập tức triệu tập cuộc họp với giới chức an ninh và quốc phòng, sau đó đề xuất Quốc hội áp đặt thiết quân luật trong 60 ngày. Toàn bộ lực lượng hải quân Ukraine được đặt trong tình trạng báo động. Tất cả tàu chiến đóng tại cảng Odessa ra khơi trong đêm 25-11.
Bộ Ngoại giao Ukraine đã đề nghị Nga trao trả các thủy thủ của những tàu bị bắt giữ. Tuy nhiên, Nga bác bỏ lời kêu gọi của chính phủ Ukraine cũng như quốc tế về việc thả 3 tàu nói trên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích Ukraine cố tình khiêu khích bằng việc sử dụng “các phương pháp nguy hiểm”. Moscow cũng triệu nhà ngoại giao cấp cao tại Đại sứ quán Kiev để khiếu nại. Tuyến đường biển qua eo biển Kerch, nối Biển Đen và biển Azov sau khi đóng cửa đã được Nga mở trở lại vào ngày 26-11 để phục vụ các hoạt động hàng hải.
Hãng Reuters cho biết, với một hiệp ước song phương, Nga và Ukraine được quyền sử dụng biển Azov - nơi có 2 cảng quan trọng nhất của Kiev. Sau khi Crimea được sáp nhập vào Nga, Moscow xây dựng cầu Crimea - cây cầu lớn băng qua eo biển Kerch, nhằm gia tăng quyền kiểm soát bán đảo nằm trên Biển Đen. Sự hiện diện của cây cầu cũng khiến mối quan hệ giữa Moscow và Kiev càng thêm “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Hồi đầu tháng 11 này, Tổng thống Poroshenko ký đạo luật cảnh báo bất kỳ công dân Nga nào di chuyển bằng đường hàng không hoặc đi trên cầu bắc qua eo biển Kerch đến Crimea sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự ở Kiev, hình phạt tối đa 3 năm tù giam. Trong những tháng gần đây, Nga và Ukraine đều triển khai các tàu hải quân và tàu biên phòng đến biển Azov.
Theo AFP, vụ đối đầu lần này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp khẩn vào tối 26-11 để đưa ra phản ứng đối với vụ này. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng họp khẩn.
Nhiều quan chức Nga cho rằng, vụ việc là “nước cờ chính trị” được Tổng thống Poroshenko vạch ra nhằm củng cố tên tuổi của ông trước cuộc bầu cử vào năm 2019.
Ngày 26-11, máy bay do thám RC-135V của Mỹ tiến vào Biển Đen sau khi xảy ra vụ đối đầu giữa các tàu Ukraine và Nga tại eo biển Kerch. Máy bay do thám này xuất hiện trên không phận Bulgaria rồi bay về hướng bán đảo Crimea.
Theo AFP, là đồng minh của Ukraine, Mỹ vốn phản đối việc Nga nắm giữ bán đảo Crimea và đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của Kiev vào đường ống dẫn khí đốt do Moscow cung cấp.
|
PHÚC NGUYÊN