Không có cảnh báo sóng thần ở Indonesia kể từ năm 2012 và thời điểm xảy ra thảm họa vào đêm 22-12, cuốn trôi hơn 700 ngôi nhà, cửa hàng nhỏ, khách sạn; đồng thời làm 281 người chết và 1.000 người khác bị thương. Thông tin này được người phát ngôn Cơ quan Thảm họa quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết vào ngày 24-12.
Hãng Reuters dẫn lời ông Nugroho khẳng định: “Không có hệ thống cảnh báo sóng thần nào vào đêm 22-12 nên các nhà chức trách địa phương không thể phát hiện sớm sóng thần”. Người phát ngôn này cũng cho biết, Indonesia không có hệ thống cảnh báo núi lửa và lở đất dưới nước.
Ngày 24-12, đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo nói với báo giới rằng cần có hệ thống cảnh báo như thế. “Tôi vừa ra lệnh Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG) mua thiết bị phát hiện hoặc một hệ thống cảnh báo sóng thần sớm để người dân chuẩn bị ứng phó”, ông Widodo nhấn mạnh.
Hiện tại, Indonesia chỉ có một hệ thống cảnh báo, được xây dựng từ năm 2008, kích hoạt khi có động đất. Quốc gia nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương” có 127 ngọn núi lửa, chiếm 13% số núi lửa trên thế giới. Một vài núi lửa là các đảo nhỏ hoặc nằm dưới đáy biển, khi phun trào có thể tạo ra sóng thần.
Theo một số nhà khoa học, nguyên nhân gây ra sóng thần cao đến 3m vào đêm 22-12 có thể do sự “sụp đổ một phần” núi lửa Anak Krakatau nằm giữa đảo Java và Sumatra, tác động đến eo biển Sunda.
Cũng trong ngày 24-12, lực lượng cứu hộ Indonesia huy động nhiều máy móc hạng nặng đào xới những đống đổ nát với hy vọng tìm kiếm thêm người sống sót đang mắc bị mắc kẹt. Số người chết tăng lên ít nhất 281 người, 1.000 người khác bị thương, đa số nạn nhân là khách du lịch.
Theo hãng Reuters, giới chức Indonesia cảnh báo người dân cũng như du khách tại các vùng duyên hải quanh eo biển Sunda tránh đến gần các bãi biển và thủy triều dâng cao vẫn xảy ra hết ngày 25-12. Tổng cộng 12.000 dân sống trong khu vực ven biển đã phải di dời đến khu vực cao hơn. Ông Nugroho cho biết, khả năng tiếp tục xảy ra sóng thần ở eo biển Sunda vẫn cao vì núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn hoạt động có thể kéo theo lở đất dưới biển.
THƯ LÊ