Ngày 3-12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe gặp gỡ lãnh đạo các đảng đối lập và những người đứng đầu phong trào biểu tình “áo vàng” nhằm tìm giải pháp đối phó với các cuộc biểu tình bạo động.
Cảnh sát chống bạo động ngăn chặn những người biểu tình ở Paris. Ảnh: AFP |
Hãng AFP cho biết, cuộc gặp nói trên diễn ra theo yêu cầu của Tổng thống Emmanuel Macron sau khi bạo lực trong ngày 1-12 tại thủ đô Paris “ở mức chưa từng có trong nhiều thập niên”. Tuần trước, Bộ trưởng Môi trường Francois de Rugy cũng đã gặp các đại diện của phong trào “áo vàng” nhưng không thuyết phục được họ chấm dứt biểu tình.
Chính phủ Pháp không loại bỏ khả năng áp đặt tình trạng khẩn cấp để đối phó với các cuộc biểu tình. Tổng thống Macron để ngỏ việc đối thoại nhưng ông khẳng định sẽ không thay đổi chính sách cải cách. Bạo loạn rộng khắp lần này là một trong những thách thức lớn nhất mà ông Macron đối mặt trong 18 tháng tiếp quản Điện Élysée.
Theo Reuters, các cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 17-11 nhằm phảm đối việc chính phủ tăng thuế nhiên liệu và thực hiện các cải cách kinh tế. Các tuyến đường trên khắp nước Pháp đều bị phong tỏa; các đường dẫn đến cửa hàng mua sắm, kho nhiên liệu, sân bay cũng bị những người biểu tình trong trang phục áo gi-lê vàng chặn lại. Biểu tình chuyển sang bạo lực từ ngày 1-12 ở thủ đô Paris, làm tổng cộng 263 người trên khắp đất nước bị thương, trong đó có 23 người là thành viên lực lượng an ninh. Cảnh sát Pháp cho hay, chỉ riêng ngày 1-12, có 412 người bị bắt giữ và hiện 378 người vẫn bị tạm giam.
Theo AFP, bạo lực gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng doanh nghiệp Pháp, với thiệt hại ước tính khoảng hàng tỷ euro. Các đại diện doanh nghiệp cũng tham dự một cuộc họp tại trụ sở Bộ Kinh tế vào ngày 3-12. Nhiều người dân Pháp cho rằng, các chương trình cải cách kinh tế của Tổng thống Macron chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và doanh nghiệp lớn. Chính phủ Pháp lý giải, việc tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.
THƯ LÊ