Hai máy bay có khả năng mang hạt nhân của Nga tiến gần không phận Mỹ ngày 25-1 khiến các chiến đấu cơ của Canada và Mỹ phải triển khai ngăn chặn.
Máy bay ném bom chiến lược Blackjack Tu-160 của Nga đã bay vào khu vực do Lực lượng Không quân Hoàng gia Canada tuần tra ngày 25-1, gần Alaska, tờ Independent cho biết. Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) tiết lộ về sự việc này ngày 26-1, cho biết 2 máy bay F-22 của Mỹ và 2 máy bay CF-18 của Canada đã đánh chặn các máy bay của Nga, buộc các máy bay của Nga phải rút khỏi khu vực này.
Máy bay tiếp nhiên liệu trên không Ilyushin Il-78 Midas và máy bay ném bom chiến lược Blackjack Tu-160 bay trên bầu trời Moscow ngày 7-5-2017. Ảnh: AFP |
"Ưu tiên hàng đầu của NORAD là bảo vệ Canada và Mỹ. Khả năng bảo vệ quốc gia của chúng tôi bắt đầu từ việc phát hiện, theo dấu cho tới xác định các chiến đấu cơ tiếp cận không phận Canada và Mỹ ", Tướng Terrence O'Shaughnessy, chỉ huy NORAD khẳng định.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nhiệm vụ lần này chỉ là một chuyến bay theo kế hoạch như thường ngày qua vùng biển trung lập.
“Các phi hành đoàn của 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 đã hoàn thành chuyến bay theo kế hoạch qua vùng biển trung lập ở Bắc Băng Dương ngày 26-1 và thực hành tiếp nhiên liệu. Chuyến bay này mất khoảng hơn 15 giờ đồng hồ", hãng thông tấn Tass dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Các cuộc chạm trán tương tự vậy ngày càng tăng lên giữa các máy bay của NATO và của quân đội Nga trong những năm gần đây. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, Nga tăng cường và mở rộng khả năng quân sự nhằm ứng phó với các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài.
Ngoài ra, căng thẳng giữa Washington và Moscow tăng cao do một loạt các vấn đề quốc tế. Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà hai nước ký với nhau thời Chiến tranh Lạnh. Washington và NATO còn cáo buộc hệ thống tên lửa hành trình có khả năng mang hạt nhân 9M729 của Moscow đã vi phạm các điều khoản của Hiệp ước này. Nga không nhất trí với lời cáo buộc trên và từ chối phá hủy hệ thống phòng thủ của mình.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định với Reuters hồi đầu tháng 1-2019 rằng Nga đang đầu tư, hiện đại hóa, tập trận và thử các loại vũ khí hạt nhân. "Tôi cho rằng Nga đang cố gắng để tái lập tầm ảnh hưởng của họ nhằm đe dọa và kiểm soát những nước láng giềng".
Trong khi đó, Đồng hồ Ngày Tận thế (Doomsday Clock) được các nhà khoa học của tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists (Bản tin Khoa học Nguyên tử) tạo ra năm 1947 nhằm đưa ra cảnh báo về sự hủy diệt hạt nhân trên toàn cầu, còn 2 phút là điểm 12 giờ. Theo đó, hiểm họa hạt nhân càng lớn bao nhiêu thì chiếc đồng hồ càng nhích tới gần thời điểm 12 giờ bấy nhiêu.
"Đây không phải một điều bình thường trước thực tế đáng sợ và phức tạp mà chúng ta thấy ngày nay. Dù không có thay đổi từ năm 2018 nhưng điều này không phải là một dấu hiệu của sự ổn định mà là lời cảnh báo mạnh mẽ tới các nhà lãnh đạo và công dân toàn thế giới”, Rachel Bronson, CEO của Bulletin of the Atomic Scientists khẳng định trong một cuộc họp báo vào tuần trước.
Theo VOV