Truyền thông Mỹ và Hàn Quốc hôm 12-1 đưa tin, Mỹ đã quyết định nới lỏng một số biện pháp cấm vận đối với các dự án viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Nếu các biện pháp này được thực hiện sẽ là một thiện chí tích cực trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2 giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang được dư luận cả thế giới mong đợi.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (bìa trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: W Magazine. |
Một số nhà ngoại giao, đại diện tổ chức cứu trợ của Mỹ cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các quan chức tổ chức cứu trợ nhân đạo của Mỹ thăm Triều Tiên, giảm nhẹ lệnh cấm hỗ trợ vật tư nhân đạo cho nước này.
Các biện pháp trừng phạt, luôn được coi là một trong những vật cản lớn nhất trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã từng cảnh báo Mỹ về việc tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này: “Tôi luôn sẵn sàng ngồi xuống đối thoại với Tổng thống Mỹ bất cứ thời điểm nào và sẽ đưa ra những nỗ lực để đạt được kết quả mà cộng đồng quốc tế mong đợi. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn thử thách sự kiên nhẫn của chúng tôi, dùng vũ lực và theo đuổi các biện pháp trừng phạt, chúng tôi sẽ tìm một hướng đi mới để bảo vệ chủ quyền và đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn muốn duy trì các biện pháp trừng phạt cho đến khi Triều Tiên dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình. Chính vì vậy, bước đi ý nghĩa đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm nhẹ chiến dịch “gây sức ép tối đa” với Triều Tiên trong nhiều tháng qua, được đánh giá là thiện chí khá tích cực để tạo điều kiện cho đàm phán phi hạt nhân hóa có thể diễn ra thuận lợi.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, “thiện chí qua lại ” giữa hai bên sẽ là một động lực tốt để thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân. Ông nói: “Triều Tiên cần phải đưa ra các bước đi quyết định và cụ thể hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa để dần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tôi tin rằng, các biện pháp thiện chí qua lại nên được xem xét để thúc đẩy và tăng cường tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.
Hi vọng là vậy nhưng giới chuyên gia phân tích cũng cho rằng, quyết định nới lỏng viện trợ cho Triều Tiên cũng có thể chỉ là một bước đi làm giảm nhẹ các sức ép ngoại giao đang nhằm vào Mỹ do những chính sách ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân Triều Tiên.
Thất vọng trước các cuộc đàm phán đình trệ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo năm 2018 đã quyết định giới hạn đáng kể lượng viện trợ đến Triều Tiên. Điều này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nhóm nhân quyền và hỗ trợ nhân đạo quốc tế, khiến Mỹ bị cô lập ngoại giao tại Liên Hợp Quốc.
Chưa rõ quyết định mới nhất của Mỹ thể hiện thái độ mềm mỏng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo điều kiện cho đàm phán phi hạt nhân hóa, hay là do sức ép ngoại giao, nhưng rõ ràng đây là một bước đi tích cực. Về khía cạnh nhân đạo, bước đi này của Mỹ sẽ làm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực và cải thiện cuộc sống của người dân Triều Tiên.
Trong khi đó, thiện chí này cũng có thể tạo bầu không khí hữu nghị trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang được lên kế hoạch. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 12-1 bày tỏ hy vọng, Mỹ và Triều Tiên sẽ đạt được tiến bộ "đáng kể" trong việc xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, trong đó có tiến bộ đạt được qua hội nghị thượng đỉnh lần hai Mỹ- Triều.
Các nguồn thạo tin cho biết, Mỹ và Triều Tiên đang thúc đẩy để tổ chức lại các cuộc đối thoại cấp cao song phương thảo luận vấn đề hạt nhân, cũng như chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều diễn ra trong thời gian “sớm nhất có thể”.
Theo VOV