Nga - Mỹ "khẩu chiến" vì hiệp ước hạt nhân

.

Nga cáo buộc Mỹ không nỗ lực hợp tác để cứu hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), thỏa thuận được hai nước ký kết vào năm 1987. Trong khi đó, Mỹ cho rằng, cuộc thảo luận với Nga để duy trì INF “đáng thất vọng”.

Tổng thống Vladimir Putin (phải) cùng các quan chức quốc phòng Nga thăm một trung tâm công nghệ quân sự ở thành phố Anapa vào tháng 11-2018.Ảnh: AP
Tổng thống Vladimir Putin (phải) cùng các quan chức quốc phòng Nga thăm một trung tâm công nghệ quân sự ở thành phố Anapa vào tháng 11-2018.Ảnh: AP

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ dấy lên trong nhiều tháng qua liên quan số phận hiệp ước INF khi Tổng thống Donald Trump có ý định hủy bỏ thỏa thuận này. Lý do được phía Mỹ đưa ra là Nga vi phạm hiệp ước nhưng Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc.

Ngày 4-12-2018, Mỹ ra tối hậu thư 60 ngày buộc Nga tuân thủ trở lại INF, nếu không Washington sẽ bắt đầu tiến trình rút khỏi thỏa thuận trong vòng 6 tháng, đồng thời khôi phục cân bằng quân sự ở châu Âu với việc thử nghiệm và triển khai tên lửa mới.

Giờ đây, Mỹ chính thức bác bỏ đề nghị của Nga về việc cứu hiệp ước và tuyên bố bắt đầu tiến trình rút khỏi thỏa thuận từ ngày 2-2 tới. Hãng AFP dẫn lời các quan chức Nga cho biết, các đại diện Mỹ đã chính thức xác nhận ý định quay lưng với INF sau khi cuộc đàm phán giữa Thứ trưởng Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 15-1 (giờ địa phương) đổ vỡ.

Bà Thompson bày tỏ thất vọng khi Nga không cho phép kiểm tra hệ thống tên lửa mới 9M729 của quốc gia này, vốn bị Mỹ cáo buộc vi phạm INF. Song, theo ông Ryabkov, trong thất bại này, trách nhiệm hoàn toàn ở phía Mỹ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moscow sẵn sàng tiếp tục đàm phán. “Chúng tôi vẫn sẵn sàng làm việc để cứu INF”, ông Lavrov nói với báo giới tại Moscow. Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, trên bàn đàm phán ở Geneva, Moscow đã đưa ra “các đề xuất mang tính xây dựng” nhằm lý giải về hệ thống 9M729, nhưng Washington đến Geneva với một “tối hậu thư” và điều kiện tiên quyết là yêu cầu Moscow phá hủy tên lửa cùng các thiết bị liên quan.

INF được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký vào ngày 8-12-1987, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Hãng AFP cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng dọa sẽ phát triển vũ khí hạt nhân nếu INF “chết yểu”. Tháng 12-2018, ông Putin để ngỏ khả năng các nước khác tham gia INF, hoặc bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận mới. Cả Mỹ lẫn các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn Nga phá hủy hệ thống tên lửa 9M729 mà Washington cho là có thể cho phép Moscow nhằm vào các mục tiêu châu Âu.

Năm 2014, các quan chức Mỹ lần đầu tiên đề cập với những người đồng cấp NATO về cáo buộc Nga vi phạm INF. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO lúc đó ít bận tâm vấn đề này. Không ai trong số họ công khai phàn nàn hay chỉ trích Moscow trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin. Ngay cả khi Nga triển khai 9M729, sự im lặng của châu Âu cho thấy họ không lo lắng nhiều về việc Nga có vi phạm hiệp ước hay không, cũng như không lo về sự hiện diện của 9M729. Nhưng giờ đây, châu Âu đang bị cuốn vào cuộc cạnh tranh hạt nhân giữa Moscow và Washington.

Ông Elbridge Colby, Giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), châu Âu lo ngại việc Mỹ rút khỏi INF có thể đẩy họ vào cuộc chạy đua vũ trang với Nga trong khi không cải thiện thêm gì về tình hình an ninh. Ngoại trưởng Lavrov kêu gọi các nước châu Âu hỗ trợ cứu INF bằng cách gây ảnh hưởng với Mỹ, bởi nếu Washington rút khỏi thỏa thuận và một cuộc chạy đua vũ trang mới xảy ra, “lục địa già” này sẽ là nạn nhân chính.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí được Moscow và Washington ký năm 2010, có hiệu lực từ ngày 5-2-2011.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Điện Kremlin hiện quan tâm việc kéo dài thời hạn START-3. Hiệp ước này quy định mỗi bên giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm, số lượng các loại vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng cũng như 1.550 đầu đạn. START-3 sẽ hết hạn vào năm 2021 nếu Nga và Mỹ không gia hạn thêm 5 năm.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.